Thời gian qua, ngành Du lịch Phú Yên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, để có sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Phú Yên thì ngành vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa.
Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, Sơn Hòa) thu hút nhiều du khách đến tham quan - Ảnh: M.NGUYỆT |
ĐA DẠNG LOẠI HÌNH DU LỊCH
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Phú Yên đã không ngừng đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở lưu trú, lượng buồng phòng tăng bình quân hàng năm trên 33%. Hiện toàn tỉnh có 110 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 1 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 36 khách sạn 1 sao... Khu du lịch Bãi Tràm, Khu du lịch sinh thái Sao Việt, khách sạn Long Beach đang tiếp tục đầu tư theo tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Sản phẩm du lịch lưu trú cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách, một số khu du lịch đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, thu hút nhiều đối tượng khách có khả năng chi trả cao.
Sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tham quan từng bước hình thành, thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan thông qua việc đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa: Di tích Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh; thành An Thổ - nơi sinh Tổng bí thư Trần Phú; Khu di tích Tàu Không số Vũng Rô; Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Định; Bảo tàng tỉnh; khu di tích Núi Nhạn - Tháp Nhạn…; các lễ hội truyền thống đã được tổ chức với quy mô, chất lượng cao hơn như: hội thơ Nguyên tiêu, hội đua ngựa Gò Thì Thùng, lễ hội sông nước Tam Giang, lễ hội đâm trâu, các lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển, các lễ hội của đồng bào dân tộc miền núi…
Sản phẩm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng đang hình thành như: tham quan các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng, làng nước mắm gành Đỏ… Gần đây, một số đơn vị lữ hành đã chủ động khai thác các tour du lịch tham quan, khám phá các đảo ven bờ, ngắm san hô tại các hòn đảo: Nhất Tự Sơn, hòn Lao Mái Nhà, hòn Chùa, hòn Yến, hòn Nưa… và thưởng thức đặc sản biển, đã tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực đặc sản Phú Yên được nhiều đối tượng khách đánh giá là rẻ và ngon, như các loại hải sản, bò một nắng hai sương, cà phê Tuy Hòa… các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, ngân hàng, viễn thông, y tế… cũng góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch của Phú Yên.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch Phú Yên chưa đa dạng, phong phú và chưa có sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao. Giá trị phi vật chất trong sản phẩm du lịch Phú Yên còn thấp, các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch chưa có mối liên kết để hình thành những sản phẩm du lịch tổng hợp cao, đáp ứng nhu cầu của du khách. Hoạt động các đơn vị kinh doanh lữ hành còn thiếu và yếu; cơ sở hạ tầng và dịch vụ vận chuyển đường không, đường thủy, đường bộ, đường sắt còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch của tỉnh.
Du khách tham quan gành Đá Đĩa - Ảnh: T.QUỚI
LIÊN KẾT ĐỂ PHÁT TRIỂN
Du lịch Phú Yên đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển. Các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Đức Cơ (tỉnh Gia Lai); một số dự án có quy mô lớn đang đầu tư ở tỉnh Phú Yên như Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô; Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu kinh tế Vân Phong… tạo cho tỉnh Phú Yên có điều kiện để trở thành cửa ngõ mới ra biển Đông của các tỉnh Tây Nguyên và kết nối với thị trường du lịch các nước Lào, đông bắc Thái Lan và Campuchia.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, bãi biển Từ Nham sẽ phát triển thành một khu du lịch quốc gia. Đối với quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh xác định mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ; tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trong đó dịch vụ du lịch đóng vai trò quan trọng.
Trên cơ sở nghiên cứu những sản phẩm du lịch đang được xây dựng và dần được định hình, ngành Du lịch Phú Yên xác định phát triển các nhóm sản phẩm du lịch, như sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa; du lịch làng nghề; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm gắn với biển, đảo…; du lịch MICE (hội nghị, hội thảo kết hợp với du lịch); du lịch văn hóa (tham quan di tích lịch sử, văn hóa; du lịch lễ hội, tâm linh; biểu diễn nghệ thuật dân gian, nhạc cụ dân tộc)...
Đặc biệt, Phú Yên có thể phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh dựa trên những danh thắng, di tích độc đáo như: Gành Đá Đĩa một hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam; đầm Ô Loan đi vào thơ ca bởi phong cảnh hữu tình và những sản vật nổi tiếng; Hải Đăng nằm trên mũi Đại Lãnh là điểm cực đông của đất liền Việt Nam; đèo Cả - núi Đá Bia và vịnh Vũng Rô gắn liền với di tích Tàu Không số và Đường Hồ Chí Minh trên biển; tháp Nhạn - núi Nhạn nằm giữa lòng TP Tuy Hòa; vịnh Xuân Đài đa dạng về địa hình núi non, biển, đảo và những đặc sản của vùng đất Sông Cầu…
Các chương trình du lịch sẽ dựa trên 5 tuyến du lịch chính, gồm tuyến du lịch về phía nam của tỉnh: chinh phục đỉnh núi Đá Bia - Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô - Bãi Môn - Mũi Điện; tuyến du lịch về phía bắc của tỉnh: Khu du lịch sinh thái Sao Việt, Bãi Xép hoặc đi thuyền tham quan đảo hòn Chùa, hòn Yến, hòn Lao Mái Nhà, đầm Ô Loan (dã ngoại, tắm biển, câu cá, du thuyền đêm trên đầm, thưởng thức các đặc sản của đầm Ô Loan), gành Đá Đĩa, thành An Thổ; nhà thờ cổ Mằng Lăng nơi lưu giữ quyển sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam…; tuyến du lịch nội thành Tuy Hòa: Tham quan núi Nhạn - sông Đà Rằng, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng rau, làng hoa cây cảnh; các khu vui chơi giải trí Thuận Thảo, khu ẩm thực dọc bờ sông Chùa - kè Bạch Đằng thưởng thức đặc sản: cá ngừ đại dương, sò huyết, hàu…; tuyến du lịch phía bắc Sông Cầu: tham quan các đảo trong vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; các khu du lịch dọc tuyến đường Sông Cầu - Quy Nhơn, thưởng thức ốc nhảy Sông Cầu, ghẹ đầm Cù Mông, nước mắm Gành Đỏ, tôm hùm, hải sản các loại…; tuyến du lịch phía tây, gồm tham quan Nhà thờ Bác Hồ, các làng văn hóa dân tộc Ba Na, Chăm, Ê Đê; hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ… từng bước kết nối mạng lưới không gian du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên
Để xây dựng những sản phẩm du lịch, trước hết chính bản thân đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của cộng đồng tạo môi trường thân thiện, an toàn cho du khách; sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua công tác chỉ đạo, điều hành; cơ chế chính sách huy động nhiều ngành, nhiều nguồn lực, kêu gọi đầu tư; xúc tiến quảng bá, liên kết, đào tạo nguồn nhân lực...
PHẠM VĂN BẢY
Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên