Thứ Sáu, 04/10/2024 18:35 CH
Sông Hinh: Đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ Bảy, 05/01/2013 14:00 CH

Những năm qua, huyện Sông Hinh quan tâm đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống của người dân ngày càng ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

 

ELy130105.jpg

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Ly (Sông Hinh) dọn cỏ, chăm sóc cây cà phê, cao su - Ảnh: A.NGỌC

XÂY DỰNG HẠ TẦNG, HỖ TRỢ SẢN XUẤT

 

Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc thiểu số được UBND huyện Sông Hinh đặc biệt quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Theo Phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, trong năm 2012, trên địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng nhiều nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đường giao thông, trường học, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất… với kinh phí hơn 27,4 tỉ đồng như đường nội vùng tại các xã Ea Trol, Ea Ly, Ea Bia, Ea Lâm, Sông Hinh; hệ thống cấp nước tập trung xã Ea Bá, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Ly giai đoạn 2, cải tạo và mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt tại xã Ea Lâm, đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư công trình cấp nước tập trung xã Sông Hinh, đưa tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh của huyện lên 90,8%. Mặt khác, huyện cũng đã di dời 12 hộ đồng bào dân tộc Mông tại Dốc Phường (xã Sơn Giang) về nơi ở mới tại điểm quy hoạch thôn Nam Giang, xã Sơn Giang, tạo điều kiện cho bà con định cư ổn định cuộc sống lâu dài. Việc san ủi mặt bằng các khu tái định cư, xây dựng đường nội vùng, hệ thống điện, các công trình công cộng đối với dự án di chuyển dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt thuộc buôn Mã Vôi (xã Đức Bình Tây) cũng đã hoàn thành. Huyện cũng cấp hơn 16.170 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn…

 

Trong năm 2012, UBND huyện Sông Hinh đã chỉ đạo các xã và đơn vị liên quan tổ chức quản lý, vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp. Trong năm qua, huyện đã đầu tư xây dựng và mở rộng kênh tây thuộc hệ thống thủy lợi sau Thủy điện Sông Hinh, đầu tư xây dựng kênh mương trạm bơm Chí Thán (xã Đức Bình Đông), xây dựng kênh mương cánh đồng buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây), xây dựng đập dâng Ea Trol (xã Ea Trol), đập dâng buôn Thứ (xã Ea Bar)…

 

Về hỗ trợ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi thú y và bảo vệ thực vật được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh mở 63 lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, bắp lai, canh tác và cạo mủ cây cao su, kỹ thuật trồng cây mắc ca, kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, huyện đã triển khai nhiều dự án, mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là dự án hỗ trợ trồng cây cao su cho 250 hộ ở 10 xã với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng; mô hình khảo nghiệm các giống lúa lai TH3-3, PAC807, RH182, Xuyên Hương cho năng suất khoảng 73 tạ/ha; mô hình thâm canh cây bắp lai tại xã Ea Ly cho năng suất 72 tạ/ha; mô hình nuôi ngan Pháp, vịt siêu thịt tại các xã Ea Ly, Ea Bar, thị trấn Hai Riêng và mô hình sử dụng men vi sinh làm chất độn chuồng mang lại hiệu quả tích cực.

 

CUỘC SỐNG ỔN ĐỊNH

 

Ông Bàn Nguyên Thành quê ở Lạng Sơn đến lập nghiệp tại thôn Tân Bình, xã Ea Ly từ năm 1992, cho biết: “Khi một số hộ người Dao chúng tôi đến vùng đất này, nơi đây hoang sơ lắm, chỉ có đồi núi, cây bụi um tùm không có đường sá gì cả. Mặc dù rất khổ cực nhưng đất ở đây tốt lắm, trồng cây lúa, cây bắp cho năng suất cao gấp nhiều lần so với Lạng Sơn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm rất thuận tiện và có nhiều điều kiện để phát triển. Vậy là các gia đình người Dao quyết định ở lại làm ăn sinh sống ở vùng đất này. Mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi, thôn Tân Bình cũng được đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, trường học nên đời sống bà con bây giờ khá giả lắm”.

 

Còn ông Nguyễn Phúc Thành, Chủ tịch UBND xã Ea Ly cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 68% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nên người dân ở đây có điều kiện phát triển, cuộc sống ổn định, nhiều gia đình làm giàu nhờ trồng mía, sắn, cao su… Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân miền núi có điều kiện theo kịp đồng bằng.

 

Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Hinh Ksor Y Tin, giãi bày: “Các dự án và chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Hinh trong thời gian qua được UBND huyện đánh giá là triển khai đúng mục đích và đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, Sông Hinh tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn”.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek