Lâu nay, sau mỗi chuyến biển, các tàu khai thác thủy sản thường chở sản phẩm vào bờ để tiêu thụ, gây tốn kém chi phí bảo quản, vận chuyển và lượng sản phẩm bị giảm chất lượng chiếm tỉ trọng cao, làm giảm doanh thu chuyến biển.
Ngư dân Phú Yên khai thác thủy sản trên biển - Ảnh: K.TÂN
Những năm gần đây, nhiều ngư dân Phú Yên mạnh dạn cải tạo hệ thống hầm bảo quản thủy sản trên tàu để sử dụng tàu vào việc chuyên thu mua thủy sản trên biển. Hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản cũng như nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tươi của người dân. Tuy nhiên, hoạt động tàu thu mua thủy sản trên biển còn nhiều hạn chế cần được quan tâm giải quyết.
Tàu thu mua thủy sản thường là tàu lớn hơn tàu khai thác của ngư dân. Hơn nữa, tàu chuyên thu mua thủy sản trên biển phải có hệ thống hầm chứa sản lượng lớn và phải có hệ thống bảo quản tốt để tránh tình trạng thủy sản sau khi đưa lên tàu bị giảm sút chất lượng, ảnh hưởng đến giá trị khi chuyển về bờ phục vụ chế biến hoặc nhu cầu tiêu dùng. Hiện có một số ngư dân đã mạnh dạn sử dụng vật liệu composite hoặc nhựa PU để làm hầm bảo quản cá, vừa tạo được độ kín cách nhiệt tốt, giữ được độ lạnh ổn định trong suốt quá trình bảo quản. Một số khác đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống máy bảo quản lạnh ngay trên tàu để khỏi phải tốn chi phí mua nước đá bảo quản.
Hành trình của tàu thu mua thủy sản trên biển tiêu hao nhiều nhiên liệu, do đó giữa người đi thu mua và người khai thác thủy sản phải thiết lập được mối quan hệ mật thiết và tin tưởng lẫn nhau. Thường thì một tàu thu mua phải có quan hệ với nhiều tàu khai thác trong một chuyến biển, để đảm bảo sản lượng cho những chuyến thu mua không bị lỗ phí. Đồng thời giữa bên mua và bên bán phải đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên trên ngư trường, giữa người mua và người bán phải thỏa thuận giá mua bán sản phẩm để đôi bên cùng có lợi.
Thường thì thủy sản được thu mua trực tiếp ngay trên biển ít xảy ra tình trạng bị ép cấp, vì phần lớn thủy sản đạt chất lượng, bảo đảm được độ tươi tự nhiên.
Thời gian hoạt động của tàu thu mua thủy sản trên biển thường ngắn hơn thời gian hoạt động của tàu khai thác, do đó mà thời gian bảo quản sản phẩm cũng được rút ngắn đáng kể. Thủy sản khi đưa vào bờ đạt chất lượng cao, bán được giá và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn nhiều. Nhờ có tàu thu mua sản phẩm ngay sau khi đánh bắt cho nên các tàu khai thác đã giảm được chi phí bảo quản và tăng được thời gian khai thác trên biển, từ đó tăng được hiệu quả khai thác trong một chuyến biển.
Việc thu mua thủy sản trên biển đã góp phần tạo lợi ích kinh tế cho cả bên mua và bên bán (tàu khai thác). Tuy nhiên, hiện số lượng tàu thu mua thủy sản trực tiếp trên biển chưa nhiều, hoạt động không liên tục, do chủ yếu là giữa tàu thu mua và tàu khai thác chưa thiết lập được mối quan hệ tin cậy và thường xuyên. Bản thân các tàu khai thác lâu nay đã chịu sự ràng buộc chặt chẽ với các chủ nậu ngay từ đất liền, các chủ nậu thường ứng trước phí tổn chuyến biển cho các tàu khai thác và buộc các tàu này phải bán sản phẩm cho chủ nậu sau mỗi chuyến biển. Mối quan hệ này không dễ gì ngày một, ngày hai là có thể phá bỏ được. Do vậy, người thu mua thủy sản trên biển trong điều kiện đó, ngoài tàu lớn, còn phải có phí lớn và mạnh dạn ứng trước phí tổn chuyến biển cho chủ các tàu khai thác thì may ra mới thay thế được vai chủ nậu ở trên bờ và mới mua được lượng thủy sản nhiều hơn. Qua đó cho thấy lý do lâu nay các tàu thu mua trên biển hoạt động cầm chừng là do nguyên nhân này.
Vấn đề đặt ra, muốn khuyến khích ngư dân đẩy mạnh thu mua thủy sản trên biển thì cần tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại lâu nay. Cùng với chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi xa khai thác thủy sản, bám biển bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn thu mua thủy sản ngay trên biển với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ chi phí chuyến biển, đặc biệt là xăng dầu cho những tàu hoạt động ngư trường khơi và bán sản phẩm thủy sản khai thác trên biển cho các tàu thu mua. Mặt khác, cần đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa các cảng, bến cá, chợ cá...
Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động khai thác thủy sản ở ngư trường khơi, đồng thời khuyến khích hoạt động thu mua thủy sản trên biển, tạo được nguồn thủy sản tươi ngon phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.
NGUYỄN KHẮC TÂN
PGĐ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Phú Yên