Chủ Nhật, 06/10/2024 07:32 SA
Xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ:
Còn lắm gian nan
Thứ Sáu, 14/12/2012 14:00 CH

Xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) của khách hàng là giải pháp sau cùng mà các tổ chức tín dụng phải thực hiện nhằm thu hồi nợ quá hạn, khó đòi. Tuy nhiên, hiện việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại ở Phú Yên gặp không ít khó khăn.

 

quang-phu121214.jpg

Trung tâm trưng bày sản phẩm của một doanh nghiệp đang tìm đối tác để chuyển nhượng - Ảnh: L.HẢO

KHÓ BÁN TÀI SẢN ĐẢM BẢO

 

Theo một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hiện bất động sản là TSĐB cho phần lớn các khoản vay của những đơn vị này. Vào thời điểm nhận thế chấp, giá nhà đất còn ở mức cao, dễ bán. Nhưng hiện kinh tế khó khăn nên việc xử lý TSĐB là bất động sản khó khăn. Có những khách sạn, nhà dân, đất ở… cơ quan chức năng phải liên tục hạ giá nhưng bán không ai mua; có trường hợp phải giảm giá 3-5 lần, thậm chí đến 8 lần mới giải quyết được. Cụ thể như trường hợp Công ty TNHH Thương mại V.H thế chấp nhà xưởng sản xuất bia ở xã Hòa An (Phú Hòa); khi doanh nghiệp này thua lỗ, ngân hàng xử lý TSĐB để thu hồi nợ, nhưng phải giảm giá từ 4,16 tỉ đồng xuống còn 1,8 tỉ đồng mới bán được. Khách sạn Đ.C ở phường 4 (TP Tuy Hòa) được định giá 8 tỉ đồng, sau 4 lần giảm giá mới bán được với giá 5,8 tỉ đồng…

 

Việc xử lý những TSĐB là động sản, hàng tồn kho, khoản phải thu, quyền đòi nợ, quyền tài sản... cũng nan giải không kém. Các máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất chuyên dùng thường kén người mua, giá cả lại thấp vì thị trường hẹp, giá trị khấu hao lớn; những người trong nghề hay vin vào tâm lý “không bán cho họ thì biết bán cho ai” để ép giá. Những TSĐB là nông thủy sản, giá cả bấp bênh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro. Theo đại diện một số ngân hàng thương mại, thời điểm doanh nghiệp mua vào để sản xuất thì nông thủy sản có giá cao, đến khi xuất bán thì giá cả xuống thấp. Thêm vào đó, thời gian lưu kho kéo dài nên chất lượng hàng hóa giảm, giá cả vốn đã thấp nay càng thấp hơn.

 

Theo ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên, lãi suất ngân hàng những năm trước đây quá cao là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó thanh toán được nợ khi hoạt động kinh doanh không tốt. Hiện lãi suất đã hạ, doanh nghiệp có thể chấp nhận được nhưng vẫn phải tính toán rất kỹ về hiệu quả kinh doanh khi muốn đầu tư vào lĩnh vực nào đó. “Nếu kinh tế không rơi vào tình trạng suy thoái, thị trường bất động sản không đóng băng thì doanh nghiệp không đến nỗi khó khăn và ngân hàng cũng không phải vất vả trong việc xử lý TSĐB. Hiện doanh nghiệp và ngân hàng đang ở hai đầu của một con thuyền nên phải bình tĩnh ngồi lại cùng xử lý mới êm”, ông Lĩnh nói.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, đến cuối tháng 11/2012, tổng nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 555 tỉ đồng, tăng 321 tỉ đồng so với đầu năm, chiếm 5,3% tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của các ngân hàng thương mại gần 500 tỉ đồng, chiếm hơn 6,7% dư nợ cho vay của nhóm này.

KHÔNG DỄ THI HÀNH ÁN

 

Trong quá trình xử lý nợ, đại diện các tổ chức tín dụng cho biết, khi một món vay đến hạn, đơn vị liên tục đôn đốc, nhắc nhở khách hàng trả nợ. Khách hàng nào không còn khả năng trả thì ngân hàng mới yêu cầu phát mãi tài sản. Nếu người vay phối hợp tốt, sẵn sàng bàn giao TSĐB và cùng ngân hàng định giá, bán tài sản thì việc xử lý nợ sẽ thuận lợi. Còn với khách hàng cố tình chây ỳ, bất hợp tác thì ngân hàng phải nhờ tới các cơ quan pháp luật. Nhưng đây là biện pháp chẳng đặng đừng vì thời gian từ khi tòa thụ lý đến lúc ra phán quyết, rồi bán được tài sản kéo dài rất lâu, có khi đến 4-5 năm vẫn chưa thu hồi hết nợ.

 

Theo ông Phạm Hào, Phó chánh tòa Kinh tế Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, trong năm 2010, tòa Kinh tế tỉnh giải quyết 33 vụ liên quan đến việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; năm 2011, con số này là 40 vụ. Riêng năm 2012, tính đến thời điểm này, tòa Kinh tế tỉnh giải quyết sơ thẩm 41 vụ (từ tháng 10/2011 chuyển qua). “Theo quy định, thời gian từ khi thụ lý hồ sơ đến khi tuyên án không quá 4 tháng. Tuy nhiên, với một vài trường hợp cá biệt như vụ VietinBank Phú Yên khởi kiện Công ty Công nghiệp nông thủy sản Phú Yên (Đông Hòa), vụ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Phú Yên và VietinBank Phú Yên cùng kiện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Q.P (TP Tuy Hòa) do còn nhiều vướng mắc nên gần một năm qua, chúng tôi vẫn chưa xử lý được”, ông Hào nói.

 

Việc xử lý TSĐB sau khi xử được giao cho cơ quan thi hành án dân sự (THADS). Thế nhưng, theo ông Nguyễn Tư Pháp, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh, quá trình xác minh nguồn gốc tài sản để tiến hành kê biên, định giá gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với những trường hợp có xảy ra tranh chấp giữa các đối tượng đồng thừa kế. Có trường hợp, cùng một vị trí nhưng đất thì người vay đem thế chấp ngân hàng, trong khi nhà thì được thế cho tư nhân. Có trường hợp, khách hàng dùng một tài sản đem thế chấp cho cả 3 ngân hàng vì bên cho vay không kiểm soát được quá trình chuyển nhượng. Một số trường hợp khách hàng ở nông thôn vay vốn làm ăn, không trả được nợ thì bỏ nơi cư trú, cơ quan THADS không thể liên lạc để tống đạt quyết định. Trường hợp khác, khách hàng thế chấp xe máy chuyên dùng, khi cơ quan THADS tiến hành kê biên thì tẩu tán tài sản, cản trở quá trình thực thi pháp luật. Một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ, vay vốn của ngân hàng nhưng khi không trả được nợ, lại không còn nơi ở nào khác nên cơ quan thực thi pháp luật cũng khó lòng kê biên, định giá tài sản… Đó là chưa kể đến việc, sau khi đã làm xong các thủ tục, đưa ra bán đấu giá tài sản công khai, nhiều trường hợp còn xảy ra khiếu kiện, tranh chấp, buộc cơ quan THADS phải xác minh lại từ đầu.

 

NGÂN HÀNG CẦN ĐƯỢC HỖ TRỢ

 

Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc VietinBank Phú Yên cho biết: Nếu người vay hợp tác với ngân hàng xử lý hậu quả khi mất khả năng tài chính thì mọi chuyện sẽ khác. Khi khách hàng mất khả năng trả nợ, các tổ chức tín dụng đã tích cực tư vấn cho khách hàng bán bớt hàng tồn kho, những tài sản thế chấp không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Ngân hàng cũng tạo điều kiện thu hồi gốc trước, thu lãi sau; miễn, giảm lãi suất cho một số doanh nghiệp quá khó khăn nhưng việc xử lý TSĐB đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.

 

Cũng theo ông Lĩnh, hiện một số quy định chồng chéo giữa các quy định của pháp luật đã hạn chế quyền chủ động của tổ chức tín dụng trong việc xử lý TSĐB để thu hồi nợ. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành những nghị định, thông tư hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, tạo môi trường pháp lý để đẩy mạnh tính thanh khoản của TSĐB nhưng do vướng Bộ luật Dân sự nên cũng không thể thực thi. Cụ thể, việc TSĐB là bất động sản, mặc dù được thế chấp tại ngân hàng có giấy tờ, công chứng tài sản đầy đủ nhưng khi cần, ngân hàng không thể tự bán. Luật cũng chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, chế tài đối với các cơ quan liên quan trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý TSĐB nên một số cơ quan chức năng tại địa phương không mặn mà phối hợp, dẫn đến việc kéo dài thời gian xử lý nợ. Đại diện Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên thì cho biết: Nếu các cơ quan thực thi pháp luật tích cực đốc thúc việc kê biên, định giá, bán tài sản, hệ thống pháp luật thông thoáng, ủng hộ các tổ chức tín dụng thì việc thu hồi nợ có thể được xử lý nhanh hơn.

  

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek