Sự trà trộn giữa rau an toàn với rau sản xuất bình thường hiện khá phổ biến, muốn phân biệt thì rau an toàn cần phải có thị trường tiêu thụ độc lập, ổn định.
Trồng rau an toàn tại HTX NN-KDTH xã Bình Ngọc - Ảnh: K.ANH
NGƯỜI TIÊU DÙNG CHƯA QUAN TÂM
Tại chợ Tuy Hòa, tiểu thương thường bán đủ các loại rau mua từ ruộng hoặc các chủ đầu mối nên phần lớn người tiêu dùng không xác định được đâu là rau an toàn và rau không an toàn.
Theo chị Trương Thị Sương ở phường 3, TP Tuy Hòa, người tiêu dùng thường thấy rau tươi, non là mua, chứ không phân biệt rau có nguồn gốc từ đâu và có đảm bảo chất lượng hay không. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Vân ở phường 5 thì cho biết, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa có bán rau an toàn nên cũng đã vào đó mua vài lần nhưng vì giá quá đắt nên sau đó chỉ mua rau tại chợ và chưa có vấn đề gì.
Thực tế, nhận thức của người tiêu dùng về “rau sạch, rau an toàn” vẫn còn khá mập mờ. Trong khi đó, nếu muốn đạt năng suất cao, nông dân thường dùng nhiều phân bón và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, phân đạm cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Duyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN-PTNT Phú Yên) cho biết: Nếu dùng quá nhiều phân đạm, cây trồng sẽ không hấp thu hết sinh ra dư lượng nitrate; nitrate trong thức ăn chuyển hóa thành nitrite vào máu gây oxy hóa các huyết cầu tố, tạo thành các huyết cầu tố không có khả năng vận chuyển oxy, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn, trao đổi chất, gây rối loạn cơ thể, gây ra bệnh ung thư, nguy hiểm không khác gì kim loại nặng.
Đối với sản xuất rau an toàn, quy trình trồng được hướng dẫn, có kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng, sử dụng liều lượng phân bón trong giới hạn cho phép, không dùng kim loại vượt mức quy định. Chính vì thế, rau sau khi thu hoạch luôn bảo đảm chất lượng, được bảo quản sạch sẽ, không nhiễm khuẩn, không có tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
CẦN ĐẦU RA ỔN ĐỊNH
Theo quy hoạch vùng trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2012 - 2015, có 2.000ha tập trung ở xã Bình Ngọc, Hòa Kiến... (TP Tuy Hòa). Tuy nhiên, theo nhiều hộ trồng rau tại TP Tuy Hòa thì trồng rau sạch giá thành cao, đã vậy lại khó bán, việc tìm đầu ra đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Bình Ngọc cho biết: HTX có 25 hộ xã viên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với 2ha, giá rau cao hơn giá thị trường khoảng 700 đến 1.000 đồng/kg. Hiện rau sạch của HTX cung cấp cho Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa với khoảng hơn 100kg/ngày, còn lại nông dân đem ra bán tại các chợ với mức giá ngang với giá rau sản xuất bình thường. Thế nên nhiều hộ nông dân không mấy mặn mà với việc trồng rau chất lượng, rau sạch.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Phú Yên, để có đầu ra cho rau sạch thì cần thay đổi quan niệm của người tiêu dùng để họ quan tâm đến hiệu quả của rau sạch và phải chú trọng đến việc mở rộng thị trường. Đồng thời, tại các khu vực sản xuất cần có các dịch vụ bao tiêu sản phẩm và hướng đến các cơ sở kinh doanh, siêu thị, nhà hàng... Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất sản phẩm sạch.
KHANG ANH