Hội thảo xúc tiến đầu tư khu vực duyên hải miền Trung vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức cho thấy vùng đất này đang đứng trước cơ hội đón nhận “làn sóng” đầu tư của thời kỳ WTO. Song, vùng đất giàu tiềm năng này vẫn còn những thách thức không nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Đức Hòa: Cần xúc tiến đầu tư với các hình thức mới, phù hợp Để biến tiềm năng thành hiện thực, thu hút hơn nữa các nguồn lực cho phát triển, chúng tôi cho rằng các tỉnh duyên hải miền Trung cần sớm xây dựng và hoàn chỉnh danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với tiềm năng của từng tỉnh và nhu cầu của nhà đầu tư cũng như với qui hoạch phát triển chung của cả vùng; tăng cường xúc tiến đầu tư với các hình thức mới phù hợp. Chú trọng xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm có tiềm lực kinh tế mạnh và có công nghệ nguồn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU và các đối tác đầu tư truyền thống như Đài Loan, Hàn Quốc. Đồng thời cần đẩy mạnh cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, trước hết là cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính ở mọi khâu, mọi cấp liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, rút ngắn thời gian và giảm chi phí gia nhập thị trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất và đặc biệt là 5 khu kinh tế trên địa bàn vùng với mô hình đa ngành, đa lĩnh vực, cơ chế cởi mở, năng động nhằm phát huy vai trò động lực thu hút đầu tư của cả khu vực. Xây dựng quy hoạch tổng thể và định hướng rõ ràng để hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với từng lĩnh vực và vùng cụ thể. Ngoài ra, cần tăng cường cơ chế hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng – thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm và duyên hải miền Trung với các tỉnh duyên hải miền Trung nhằm phát huy tổng hợp lợi thế so sánh của Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng duyên hải miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Tại hội thảo “Duyên hải miền Trung - tiềm năng và cơ hội đầu tư” do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các tỉnh, thành trong khu vực vừa tổ chức tại TP Quy Nhơn (Bình Định), các địa phương công bố gần 400 danh mục đầu tư với tổng vốn nhu cầu khoảng 7 tỷ USD, đó là chưa kể 35 dự án cấp quốc gia với tổng vốn hơn 9 tỷ USD. Trong số các dự án nêu trên, đáng chú ý là các dự án lớn như Khu hậu cảng Dung Quất (430 triệu USD), dự án Xây dựng và kinh doanh cảng Nhơn Hội (150 triệu USD), dự án Khu du lịch sinh thái Làng Văn, Đà Nẵng (300 triệu USD), dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (15 tỷ USD)… Mục tiêu đặt ra là bình quân mỗi năm duyên hải miền Trung thu hút trên 5 tỷ USD là một thách thức không nhỏ.
Theo ông Lê Hữu Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, Việt Nam gia nhập WTO và đang đứng trước cơ hội rất lớn trong việc đón “làn sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực duyên hải miền Trung cũng không nằm ngoài cơ hội đó. Điều căn bản và trước tiên là 8 tỉnh, thành trong khu vực cần đề ra chương trình cụ thể tạo sự “kết dính”, hay còn gọi là sự phối hợp “hài hoà” giữa các địa phương, các đơn vị làm công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo nên một đặc trưng cho vùng duyên hải miền Trung. Từ đó, đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, giới thiệu môi tường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cùng với những tiềm năng kinh tế cụ thể đến với các nhà đầu tư. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, hạn chế của khu vực duyên hải miền Trung còn từ xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế còn yếu kém. Tuy vậy, gần đây với sự ra đời của các khu kinh tế, khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện bao gồm một số cụm cảng hàng không, cảng biển nước sâu, các trục giao thông chính và cơ chế hoạt động kinh tế đa ngành với các chính sách ưu đãi vượt trội, ổn định, lâu dài (như một số loại thuế, thời gian và giá thuê đất, cung ứng lao động…) tạo nên sức hấp dẫn mới đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong khi đó, ông Kyoshiro Ichkawa, chuyên gia tư vấn cao cấp Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) nhìn nhận thực tế hơn, thách thức của khu vực này là luôn phải đối mặt với thiên tai lụt bão hằng năm và hạ tầng về điện, nguồn nước, viễn thông, xử lý chất thải chưa phát triển đồng bộ, đồng thời thiếu nguồn nhân lực quản lý trung gian và công nhân có tay nghề cao. Song ông K. Ichkawa cũng thừa nhận, duyên hải miền Trung có những lợi thế về chi phí hoạt động so với khu vực kinh tế phía Bắc và phía Nam và cho rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam, rất chú ý đến khu vực duyên hải miền Trung. Vấn đề còn lại là các địa phương có kế hoạch hành động nhằm cụ thể hoá chương trình xúc tiến đầu tư nêu rõ như những lĩnh vực nào được ưu tiên khuyến khích đầu tư, lợi thế cạnh tranh của mình so với các khu vực khác, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh gọn đến đâu, pháp lý nào bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài… Các tỉnh, thành trong khu vực đều ra thông điệp “xem việc của nhà đầu tư như của chính mình”, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào làm ăn tại địa phương mình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc cam kết: “Để thu hút đầu tư, tỉnh có cơ chế áp dụng các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ về tiền thuê đất, thời gian miễn giảm tiền thuê đất, mức thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ngoài ra còn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đào tạo lao động tại địa phương và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án.”
Duyên hải miền Trung tính từ Thừa Thiên- Huế đến Ninh Thuận trải dài hơn 1.200 km với diện tích 41.480 km2, nằm trên trục giao thông quốc gia về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không; đồng thời nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây, có những cửa ngõ lý tưởng ra biển Đông cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê-kông như từ Myanmar qua Thái Lan, Lào và điểm cuối là cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) hoặc Thái Lan qua Cam-pu-chia đến Vũng Rô- Văn Phong. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và có nhiều thắng cảnh du lịch nổi tiếng.
Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Phú Yên, được trưng bày giới thiệu tại Hội thảo xúc tiến đầu tư khu vực duyên hải miền Trung – Ảnh: N.T |
Từ những vấn đề đặt ra tại hội thảo trên, chắc chắn các tỉnh, thành trong khu vực sẽ có những thành công cụ thể hơn nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hơn nữa để sẵn sàng đón nhận “làn sóng” đầu tư mới nhằm nhanh chóng đưa duyên hải miền Trung, trong đó có Phú Yên ra khỏi “vũng trũng” trên mặt bằng chung của “sân chơi” hội nhập kinh tế thế giới. Có thể nói thu hút nguồn vốn FDI đang là mục tiêu quan trọng mà các tỉnh, thành trong khu vực đang kỳ vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa duyên hải với các vùng, miền khác của đất nước.
Từ năm 1998 đến tháng 11/2006, khu vực duyên hải miền Trung thu hút được 314 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, bằng 5,38% của cả nước, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (71,1%), nông, lâm, ngư nghiệp (15,6%), dịch vụ (13,2%). Riêng trong 3 năm (2004 - 2006), khu vực duyên hải miền Trung đã thu hút 125 dự án được cấp phép với vốn đăng ký đầu tư 1.442 triệu USD, trong đó có dự án của Tập đoàn thép Tycoon (Đài Loan) với vốn đăng ký 1.056 triệu USD tại Khu kinh tế Dung Quất, đưa Quảng Ngãi lên vị trí thứ 3 về thu hút FDI sau TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Các dự án FDI trong khu vực này đã giải quyết việc làm khoảng 45.000 lao động trực tiếp, chiếm trên 4% số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
NGUYÊN TRƯỜNG