Thứ Bảy, 12/10/2024 02:16 SA
Đưa dân từ rừng sâu ra lộ
Thứ Năm, 15/12/2011 10:30 SA

Sau 8 năm sống biệt lập giữa núi rừng, gian khổ thiếu thốn, con cái không được học hành, mới đây 142 người dân ở Hòn Đát, thôn Nguyên Xuân, xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) ra khỏi rừng thẳm, đến với khu định canh, định cư thuộc dự án xen ghép thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Tết này, họ sẽ đón xuân trong ngôi nhà mới ấm cúng, sum vầy.

 

suoi-bac111215.jpg

Gia đình Hờ Nhiệt vừa ra khỏi Hòn Đát đến ở khu dân cư Suối Bạc mua tivi về xem - Ảnh: H.NAM

MỘT THỜI KHÓ KHĂN

 

Năm 2003, vợ chồng ông Trần Thoại, 45 tuổi, xã An Cư (huyện Tuy An) đến lập nghiệp tại Hòn Đát theo dự án di giãn dân Nguyên Xuân. Lúc đó, đứa con đầu Trần Thị Kiều Kinh, đang học lớp 6, theo cha mẹ đi lập nghiệp nhưng vì ở đây chưa có Phân trường, đến trường chính ở xã học thì lại xa, đi lại khó khăn nên đành phải nghỉ học. Đứa con thứ hai, Trần Nhật Lũy, 5 tuổi, ông Thoại phải gửi về quê nội xã An Cư để học.

 

Chị Lê Thị Kim Chung, 29 tuổi, xã An Cư (huyện Tuy An), cũng lên Hòn Đát lập nghiệp. Những ngày đầu, cuộc sống khó khăn, một năm chỉ nhờ vào một vụ mía, không đủ nuôi bốn người. Chị Chung nhớ lại: “Lúc mới lên, hai đứa con, đứa đi lẫm chẫm, đứa biết bò bị sốt rét rừng hành hạ, da xanh như tàu lá chuối. Đến tuổi đi học, tôi gửi chúng về quê nội. Vợ chồng tôi vừa chống chọi với bệnh sốt rét, vừa trồng mía kiếm tiền nuôi con. Những lúc khốn khó, vợ chồng tôi cũng tính chuyện về quê nhưng đâu có vốn mà về”.

 

Con gái chị Hờ Phèn là Hờ Thảo, 10 tuổi, mới được đi học lớp 1 ở Suối Bạc. Đến Suối Bạc, không người thân thích, chị phải gửi con tá túc ở một nhà gần trường.

 

Nhiều người bây giờ nhắc đến Hòn Đát còn rùng mình vì điều kiện sống quá khó khăn. Chị Phạm Thị Thu Trang, một người “gắn bó” với cuộc sống kham khổ nơi đây, cho biết: “Muốn đi chợ phải gom đủ 200.000-300.000 đồng mua cá mặn, mắm khô về dự trữ ăn cả tháng, chứ mỗi lần đi phải vượt suối trèo đèo rất vất vả.

 

37 hộ dân ban đầu đến đây sinh sống trong cảnh: không điện, không đường; có trường học, trạm y tế cũng như không (vì điều kiện đi lại khó khăn nên không có giáo viên nào chịu đến đây giảng dạy, không có đội ngũ y bác sĩ nhận công tác tại đây) và không có nhà ở ổn định. Chị Hờ Phèn, một trong những người đến sống ở đây đầu tiên kể: “Tối đến, cả xóm tối đen như mực, không gian im lặng đáng sợ. Đèn dầu loe loét không xua được bóng tối ở rừng sâu”.

 

Sinh sống tại Hòn Đát một thời gian, nhiều người không chịu nổi sốt rét rừng, bỏ về quê cũ. “Làm quần quật suốt ba năm, vợ chồng em gái tôi bán 1,5ha đất trồng mía và các vật dụng khác không đến 500.000 đồng để về lại dưới xuôi, sống ở đây có khi mất mạng giữa rừng!” chị Nguyễn Thị Kim Cúc (ở Hòn Đát) hồi tưởng.

 

PHẤN KHỞI VỀ NƠI Ở MỚI

 

Tháng 8/2011, tin vui đến với bà con sinh sống tại Hòn Đát, đó là tất cả các hộ dân nơi đây được chuyển đến xã Suối Bạc theo dự án xen ghép thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Hiện nay, xã Suối Bạc đang hoàn tất các thủ tục nhập khẩu để con em họ về địa phương học hành và hưởng các chế độ Nhà nước.

 

Theo ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, năm 2003, UBND huyện Sơn Hòa tiếp nhận 37 hộ đến sinh sống theo dự án giãn dân Nguyên Xuân. Sau một thời gian sinh sống có ba hộ tách mới, bốn hộ về lại quê cũ. Sau khi bàn giao dự án cho UBND xã Sơn Nguyên quản lý thì có bảy hộ di dân tự do đến sinh sống. UBND huyện lập phương án di dời 43 hộ dân về định cư theo dự án xen ghép xã Suối Bạc.

 

Phó chủ tịch UBND xã Suối Bạc Sô Minh Chiến, cho biết: “Dự án định canh, định cư xen ghép thôn Suối Bạc, tiếp nhận 66 hộ, trong đó nội vùng xã Suối Bạc 23 hộ, còn lại là di dân Nguyên Xuân. Trong số cư dân sinh sống tại Hòn Đát, 30 hộ người Kinh, 13 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số”.

 

Theo Dự án quy hoạch định canh định cư xen ghép xã Suối Bạc, mỗi hộ được hỗ trợ 18 triệu đồng đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân về sinh sống tại khu dân cư xen ghép này. Bà Hờ Điệp, một cư dân Hòn Đát vừa về nơi ở mới phấn khởi nói: “Về đây, tôi được hỗ trợ nhà ở, lương thực, điện nước… Tết này, nhà có gạo, củi, gà, rượu…”.

 

Ba tháng ổn định với nơi ở mới, nhiều người dân thở phào nhẹ nhõm. Vừa cất nhà xong, bà Hờ Nhiệt phấn khởi đi mua ti vi. “Tôi mới mua đấy. Bao nhiêu năm ở rừng không biết ti vi như thế nào” bà Hờ Nhiệt hồ hởi nói.

 

Hoàn tất việc xây nhà mới, nhiều gia đình đã bàn đến việc đón năm mới đầu tiên khi vừa ra khỏi rừng thẳm. “Tết năm nay, chắc hẳn những đứa trẻ ở đây sẽ nhận được phong bao lì xì đỏ may mắn từ những người thân” một người dân thổ lộ.

 

Để chuẩn bị đón năm mới tại nơi ở mới, nhà nhà trồng hoa vạn thọ, cúc, phụng… Cái đầm ấm của xóm làng mới đang lan tỏa.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek