Thứ Bảy, 12/10/2024 22:28 CH
Tạo chuỗi liên kết để phát triển thị trường nội địa
Thứ Tư, 07/12/2011 07:30 SA

Chính sách mở cửa thị trường trong nước đã tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Không chỉ hoạt động xuất nhập khẩu mà thương mại nội địa cũng bị sức ép khi các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới “đổ bộ” vào thị trường nước ta.

TT3111207.jpg

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng phục vụ của các đơn vị kinh doanh - Ảnh: N.XUÂN

NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA

Theo Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của Phú Yên giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 23,6%/năm; tỉ trọng GDP thương mại/GDP tổng hợp là 11%/năm, tốc độ tăng GDP thương mại đạt hơn 11,1%/năm. Đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã có 151 chợ, 2 siêu thị; hơn 19.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại.

Những năm gần đây, thị trường nội địa đang hình thành và phát triển tương đối ổn định, thiết lập được cấu trúc thị trường đa thành phần với nhiều loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh. Từ đó, hàng hóa đa dạng, phong phú về mẫu mã, giá cả hợp lý; các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Việc mở cửa thị trường bán lẻ không chỉ tạo thời cơ mà còn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Thời gian đầu mở cửa thị trường bán lẻ, doanh nghiệp nước ngoài chỉ tập trung tham gia vào thị trường bán lẻ ở các thành phố lớn. Nhưng từ cuối năm 2010, những doanh nghiệp này bắt đầu thâm nhập vào thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính sách mở cửa thị trường bán lẻ đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng trong nước có thêm sự lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ; đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp của tỉnh là sản phẩm hàng hóa, dịch vụ kém sức cạnh tranh sẽ mất dần thị phần. Các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh sẽ phải thu hẹp sản xuất, đồng nghĩa với nguy cơ phá sản, sản xuất trong nước đình trệ; hệ thống phân phối hàng hóa nội địa có thể bị thâu tóm bởi những tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại của tỉnh chưa thật sự quan tâm đến tiến trình hội nhập của đất nước. Phần lớn doanh nghiệp còn hoạt động nhỏ lẻ, chưa tạo được chuỗi liên kết để phát triển bền vững. Hệ thống phân phối bán buôn trên thị trường chưa rõ nét, chưa có nhiều hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mà chủ yếu là chợ trung tâm tỉnh và các đại lý của các đơn vị sản xuất và phân phối ngoài tỉnh, hoạt động theo kiểu chợ truyền thống. Hiện chợ vẫn là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu nhưng công tác quản lý vẫn còn nhiều bất cập và hoạt động kém hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại nhìn chung chưa được quan tâm đầu tư đồng bộ; số chợ ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế về số lượng và quy mô; một số chợ chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn đánh giá: “Thị trường hàng hóa trong tỉnh hiện đang phát triển tương đối ổn định, đội ngũ thương nhân phát triển khá cả về số lượng và chất lượng, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại rất uy tín và hiệu quả; hàng hóa đa dạng, phong phú, thị trường thông suốt từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thị trường nội địa của tỉnh còn phát triển theo kiểu tự phát; doanh nghiệp còn bỏ trống mảng thị trường nông thôn, miền núi; chất lượng hàng hóa chưa đảm bảo; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đủ sức phân phối, điều tiết hàng hóa ổn định, hiệu quả. Do đó, các ngành, các cấp cần phối hợp làm tốt các giải pháp phát triển thị trường trong tỉnh và tìm cách vươn ra thị trường cả nước; tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Phú Yên”.

sieu-thi111207.jpg
Người tiêu dùng ngày càng có điều kiện lựa chọn hàng hóa khi thị trường nội địa phát triển - Ảnh: N.TRƯỜNG

GIẢI PHÁP TĂNG SỨC CẠNH TRANH

Tại hội thảo phát triển thị trường nội địa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế do Sở Công thương tổ chức mới đây, các cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp của tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương nắm vững được thị trường nội địa. Giải pháp được nhiều đơn vị quan tâm là cần tạo được hệ thống bán lẻ trên cơ sở thống nhất lợi ích của những doanh nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún cùng gắn kết nhằm khai thác tốt thị trường nội địa và tạo “đối trọng” cạnh tranh đối với những doanh nghiệp ngoài. Các doanh nghiệp cần chủ động thiết lập kênh phân phối hàng hóa nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ đến tận tay người tiêu dùng ở những vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã làm rất tốt công tác này thông qua việc mở đại lý ở các vùng nông thôn, tổ chức các đợt bán hàng lưu động để đưa hàng hóa đến tận tay người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, các đơn vị cần mở các đại lý, cửa hàng trực thuộc hoạt động ổn định tại các địa bàn nhằm tạo kênh phân phối bán lẻ lâu dài.

Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết: “Nếu như doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về vốn và kinh nghiệm quản lý thì các doanh nghiệp trong nước lại có ưu thế riêng như am hiểu tập tính, phong cách của người dân địa phương. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cần liên tục đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao chất lượng phục vụ; mở rộng mạng lưới phân phối về tận những vùng sâu, vùng xa, tích cực tham gia bình ổn giá để hỗ trợ người dân trong lúc cao điểm; tiết giảm mọi chi phí không cần thiết; đào tạo đội ngũ nhân viên với phong cách phục vụ chuyên nghiệp; tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo thế đứng vững chắc cho hàng hóa trong nước”.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thực hiện mô hình chuyển đổi quản lý chợ nhằm khai thác tốt hệ thống chợ trên địa bàn, đặc biệt là các chợ nông thôn, miền núi để phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân. Các đơn vị cần tổ chức thu mua, tiêu thụ nông sản của nông dân với giá cả ổn định, tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp phát triển. Trên hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy vai trò lãnh đạo, tìm ra những chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường nội địa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định: “Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, việc thu hút các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ trong và ngoài nước về đầu tư tại Phú Yên là hết sức cần thiết. Đây cũng là cơ hội và đồng thời còn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Do đó, các doanh nghiệp của tỉnh phải xác định tự thân vận động, đổi mới tư duy kinh doanh để giữ vững được thị trường, tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Các siêu thị, hệ thống phân phối hàng hóa phải hết sức chú trọng, ưu tiên đưa các sản phẩm của Việt Nam vào siêu thị và hệ thống bán sỉ, lẻ lớn trong nước và thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về vốn, cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường nội địa”.

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek