Thứ Hai, 14/10/2024 22:11 CH
Nghề đan mây tre lá:
Tạo việc làm cho phụ nữ lúc nông nhàn
Thứ Hai, 14/11/2011 07:30 SA

Đối với nhiều phụ nữ ở nông thôn, có một công việc làm thêm trong lúc rảnh rỗi không chỉ là niềm vui mà còn giúp tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống. Hiện rất nhiều người dân ở các vùng nông thôn được tạo điều kiện học và làm thêm nghề đan mây tre lá.

dan-may111114.jpg

Công việc đan mây tre lá tạo việc làm thêm cho phụ nữ lúc nông nhàn - Ảnh: N.XUÂN

VIỆC LÀM LÚC NÔNG NHÀN

Với nhiều cơ sở mây tre lá hình thành ở các vùng nông thôn Phú Yên không yêu cầu người lao động đến làm việc tại chỗ mà có thể nhận sản phẩm về làm đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn lúc nông nhàn; nhờ đó giúp nhiều gia đình tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.

Sản phẩm chủ yếu của các cơ sở đan mây tre lá là bàn ghế mây, các loại giỏ cắm hoa, giỏ trái cây, sọt rác... Phần nhiều, các cơ sở gia công các sản phẩm đan mây tre lá chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Mỗi sản phẩm hoàn thành được trả công từ 10.000-30.000 đồng tùy theo mức độ khó, dễ hay sản phẩm lớn, nhỏ. Một người thợ lành nghề có thể làm từ 2-3 sản phẩm lớn/ngày hoặc 5-10 sản phẩm nhỏ/ngày. Chị Nguyễn Thị Thu, ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Công việc nhà nông thường bận khi vào thời vụ, thời gian còn lại rảnh rỗi nên tôi phải tìm thêm việc làm. Từ khi nhận công việc đan mây tre lá cho một số cơ sở sản xuất trên địa bàn xã, mỗi tháng gia đình tôi tăng thêm thu nhập 1 triệu đồng nên đời sống cũng bớt khó khăn”.

Tại huyện Tuy An, cũng có nhiều điểm tổ chức đan mây tre lá ở các xã An Cư, An Thạch... Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Tân Long (xã An Cư) được xem là “quán quân” trong việc đan ghế mây vừa khéo, vừa nhanh. Mỗi ngày chị có thể đan từ 2-3 ghế nên thu nhập thêm từ 1,5-2 triệu đồng/tháng từ công việc làm thêm này. Chị Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người, đều là phụ nữ nên không thể làm công việc đánh bắt thủy sản như các gia đình khác. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng và con heo nái. Mỗi khi vụ mùa vừa xong, cả nhà chỉ tập trung vào việc đan mây tre lá kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống”.

Chị Nguyễn Thị Lành ở thôn Tân Long (xã An Cư) bảo: “Nhà tôi trồng 3 sào lúa, mỗi năm 2 vụ nhưng do đất thường xuyên bị ngập mặn nên thu nhập rất bấp bênh. Thêm vào đó, năm 2004, chồng tôi bị tai biến, không thể đi đánh bắt ven đầm, kinh tế ngày càng khó khăn. May mà tôi học được nghề đan ghế mây này nên gia đình đỡ khổ phần nào”. Theo chị Lành, do tuổi cao, mắt kém, mỗi tháng chị chỉ nhận được chừng 500.000-700.000 đồng, giúp giải quyết bữa ăn hàng ngày của gia đình. “Tuy không nhiều nhưng ít nhất gia đình không bị đói”, chị Lành giãi bày.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Hiện các doanh nghiệp đan mây tre lá đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, lao động có tay nghề cũng như nguồn vốn hoạt động. Nguyên liệu chủ yếu là mây và bẹ chuối khô đang ngày càng khan hiếm, cạn kiệt. Nếu cách đây một năm, giá mây sợi chỉ 14.000 đồng/kg thì nay lên 23.000-28.000 đồng/kg (tùy kích cỡ); bẹ chuối khô 20.000 đồng/bó lên 48.000 đồng/bó. Các doanh nghiệp phải đi gom nguyên liệu ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành đan mây tre lá.

Chị Đoàn Thị Lệ Trinh, chủ DNTN Quỳnh Hưng (huyện Đồng Xuân) cho biết: Để tận dụng nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp đang có hướng đầu tư mua 2-3 máy chẻ mây tươi thu mua ở các vùng lân cận nhưng chưa có vốn và địa điểm làm xưởng, sân phơi. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ về vốn vay, địa điểm để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất.

Một khó khăn nữa là nguồn lao động có tay nghề đan mây tre lá hiện cũng không nhiều. Hầu hết các cơ sở đang sử dụng lao động phổ thông, người lao động chủ yếu tận dụng thời gian nông nhàn để làm kiếm thêm thu nhập. Số người chuyên rất ít nên lượng lao động thường không ổn định. Do đó, các doanh nghiệp phải liên tục đào tạo tay nghề cho người lao động để đáp ứng đủ nhu cầu công việc.

Hiện Sở Công thương Phú Yên đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đan mây tre lá nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, máy móc trong các khâu hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị hàng xuất khẩu và làm hạt nhân vững chắc cho sự hình thành, phát triển các làng nghề đan mây tre lá ở khu vực nông thôn.

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek