Không chỉ tạo ra các sản phẩm tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, các làng nghề truyền thống còn là nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa địa phương một cách tinh tế. Tuy nhiên, một số làng nghề và nghề thủ công truyền thống ở tỉnh Phú Yên đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Làm thế nào để phát triển các làng nghề truyền thống trong xu thế hội nhập là vấn đề đang đặt ra.
BÀI 1: Đi qua các làng nghề
Lò nung gốm ở xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) - Ảnh: K.CHI
GIỮ LỬA CHO LÀNG NGHỀ
Phú Yên có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút 2.699 hộ với 6.783 người tham gia sản xuất, trong đó có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 116 của Bộ NN - PTNT, gồm: làng nghề tráng bánh Đông Bình, làng nghề bó chổi Mỹ Thành, làng nghề đan đát Vinh Ba, làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh, làng nghề chế biến nước mắm và phơi sấy cá cơm, làng nghề đan bóng mò o và làng nghề nước mắm Gành Đỏ.
Chúng tôi về làng gốm Trường Thịnh (xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa), một trong những làng gốm nổi tiếng ở Phú Yên. Dọc con đường trải nhựa và theo lối vào thôn 5, làng gốm truyền thống hiện ra với nhiều cột khói, lò nung đang đỏ lửa. Bà Nguyễn Thị Sen, người có hơn 40 năm gắn bó với nghề truyền thống này, bộc bạch: “Nghề này do cha ông truyền lại. Hiện cả làng còn 34 hộ với hơn 100 lao động còn giữ nghề, nhà nào nhiều thì 5 đến 6 người, nhà ít thì 2 đến 3 người. Mùa sản xuất chính của chúng tôi là từ tháng 2 đến tháng 8, mùa mưa thì làm rai rai thôi. Sản phẩm làm ra chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở Bình Định, Khánh Hòa… và các tỉnh Tây Nguyên”.
Tuy vất vả nhưng từ xa xưa đến nay, nghề gốm đã đem lại thu nhập khá ổn định cho hàng chục hộ dân theo nghề ở Trường Thịnh. Nhưng thời gian gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế, đơn đặt hàng của các cơ sở đã giảm đi đáng kể, việc làm và thu nhập của người làng nghề giảm khiến cho đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình cụ Phan Xuân Kiệm, trước đây 3 thế hệ đều làm nghề gốm, nay chỉ còn chị Phan Thị Xuân Vương theo nghề. Chị Vương cho biết: “Tôi đã hơn 30 năm làm nghề này. Hồi trước, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, liên tục xuất đi các tỉnh. Nhưng hiện nay, do đơn đặt hàng ít, sản phẩm thiếu đầu ra, lao động phải nghỉ việc hàng loạt”.
Làng nghề tráng bánh Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) thời gian này khá im ắng. Do giá gạo, than củi, công lao động tăng cao gấp 3 lần so với năm trước mà sản phẩm làm ra tiêu thụ không mạnh nên các lò tráng bánh ở đây chỉ sản xuất cầm chừng. “Trước đây, nhu cầu của thị trường nhiều, mỗi ngày gia đình tôi phải thuê từ 10 đến 15 lao động, nhưng nay thì chỉ 2 đến 3 người làm” - chị Nguyễn Thị Phượng, chủ một cơ sở tráng bánh, cho hay.
Ở làng nghề bó chổi đót Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), không khí có phần ảm đạm hơn. Làng nghề này được biết đến nhiều từ năm 1975 đến nay với các sản phẩm như chổi đót, chổi dừa... Trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, quy mô hoạt động của làng nghề từng bước được mở rộng, chuyên nghiệp hóa trong khâu sản xuất. Hiện làng nghề có 115/243 hộ sản xuất, thu nhập bình quân khoảng 1.500.000 đồng/người/tháng. Chị Phan Thị Út Loan, chủ cơ sở bó chổi đót Út Loan, cho biết: Thời gian trước, làng nghề phát triển rất mạnh. Vào mùa sản xuất, đặc biệt là dịp tết, làng nghề tấp nập người mua kẻ bán. Nhưng nay, do nhiều mặt hàng khác cạnh tranh, sản phẩm tiêu thụ cũng ít đi.
Bên cạnh những làng nghề đang loay hoay tìm hướng phát triển, vẫn có một số làng nghề từng bước phát triển và hội nhập khá tốt. Đơn cử như làng nghề sản xuất nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu). Ông Phan Văn Cảnh, một chủ cơ sở sản xuất nước mắm ở làng nghề này, cho biết: Gành Đỏ hiện có gần 20 cơ sở sản xuất nước mắm, trong đó có nhiều cái tên được khách trong và ngoài tỉnh biết đến như: Ông Già, Bà Bảy, Bà Mười, Tân Lập… Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực, các cơ sở này còn được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nước mắm tập thể, tổ chức tập huấn, hội thảo, tập huấn…, qua đó nâng cao chất lượng và thương hiệu của nước mắm Phú Yên.
Còn ở làng nghề truyền thống đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), nhờ có sự thay đổi, phong phú về mẫu mã, chủng loại sản phẩm nên những năm gần đây, đời sống của người lao động trong làng nghề dần ổn định. Nhiều mặt hàng truyền thống của làng nghề đã được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh trong khu vực và được khách hàng ưa chuộng. “Hiện nay, ngoài sản xuất giỏ, lẵng hoa, vỉ phơi bánh tráng, nia, thúng…, làng nghề cũng đã sản xuất các mặt hàng phục vụ khách du lịch như: giỏ xách, giỏ đựng hoa cỡ nhỏ…” - chị Nguyễn Thị Thắm, một người nhiều năm gắn bó với làng nghề này cho biết.
CÒN ĐÓ NHỮNG TRĂN TRỞ
Tại các làng nghề nấu rượu ở Xuân Lộc (TX Sông Cầu), Hòa Trị (huyện Phú Hòa)…, mùi khí cácbon từ than đốt cháy rất đậm đặc, nhiệt độ trong khu nhà nấu rượu của các hộ gia đình ở các nơi làm nghề rất cao, tỏa ra xung quanh khiến bầu không khí ngột ngạt. Còn tại làng gốm Trường Thịnh (huyện Đông Hòa) cũng như các lò gạch ở Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa An (huyện Phú Hòa), người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn nhưng không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Chị Lê Thị Hạnh, 32 tuổi, đang làm gạch tại lò ở thôn Đông Phước, xã Hòa An là một trong những người có mang khẩu trang khi làm việc. Nhưng khi được hỏi có phải do chủ lò gạch cấp hay không thì chị lắc đầu, nói: “Làm gạch ngoài trời nắng lắm, nên phải mang khẩu trang thôi, chứ lao động như tui có ai cấp khẩu trang, bao tay gì đâu!”.
Những năm gần đây, bên cạnh những cơ sở sản xuất nhỏ, một số làng nghề truyền thống phát triển mạnh, số người mắc bệnh nghề nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Phát triển kinh tế không gắn liền với bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là nguyên nhân gây nên bệnh tật cho người lao động trực tiếp và người dân sống trong khu vực làng nghề. Theo tìm hiểu của chúng tôi, số người mắc bệnh chung tại các làng nghề cao gấp nhiều lần so với những làng thuần nông. Ông Huỳnh Ngọc Sương, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa thừa nhận, việc ô nhiễm tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện cũng có xảy ra. Một vài hộ ở khu vực làng nghề nhưng không sản xuất cũng có đơn khiếu kiện vì tình trạng ô nhiễm ở một số cơ sở, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên, hiện nay, chưa có làng nghề nào có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn tập trung, do hoạt động theo hộ gia đình, nhỏ lẻ. Hầu hết các cơ sở này đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa có cơ sở nào thực hiện. Hiện nay, nhiều làng nghề có nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường như làng nghề đan đát Vinh Ba (ô nhiễm môi trường nước do dùng hóa chất để xử lý nguyên liệu đầu vào), làng nghề nước mắm Gành Đỏ, làng nghề chế biến nước mắm và phơi sấy cá cơm Hòa An, TX Sông Cầu (ô nhiễm môi trường không khí do phơi sấy và ô nhiễm môi trường nước do thải sau rửa cá)…Vì vậy trong tương lai, ô nhiễm môi trường làng nghề là khó tránh khỏi, nếu không thực hiện tốt các giải pháp ngăn ngừa.
Bài 2: Nỗ lực khôi phục làng nghề
KIM CHI - PHƯƠNG ĐÔNG