Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh nổi lên từ vài năm nay, thu hút nhiều người tham gia. Tuy nhiên, hình thức bán hàng này mang lại nhiều phiền phức cho nhiều người.
Nhân viên bán hàng đa cấp (trái) đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng - Ảnh: P.MINH |
GIÁ CẢ, CHẤT LƯỢNG NHẬP NHẰNG
Theo lời mời của những người bạn, nhiều lần tôi được tiếp xúc với các công ty bán hàng đa cấp. Cảm giác chung là khi nghe các nhân viên tư vấn “thuyết giảng”, ai cũng công nhận đây là một hình thức bán hàng văn minh, lợi nhuận cao và chất lượng hàng hóa thì không đâu sánh bằng. Đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng (sản phẩm chính của hình thức kinh doanh này) có công năng như… thần dược, vì có nguồn gốc từ thiên nhiên, với nhiều tác dụng và giá từ 90.000 - 2,5 triệu đồng/sản phẩm, tùy loại.
Đi sâu tìm hiểu hình thức bán hàng này, chúng tôi được biết sức hút của nó không phải ở chất lượng sản phẩm mà là chính sách hoa hồng vô cùng hấp dẫn. Theo các nhân viên tư vấn, chỉ cần tham gia mạng lưới mua sỉ - bán lẻ sản phẩm, người bán hàng có được khoảng hưởng lợi nhuận chênh lệch từ 35-43% so với giá trị sản phẩm. Chưa kể khi đủ điều kiện vào mạng lưới bán hàng này, họ được… thăng cấp. Mỗi công ty bán hàng đa cấp đều có một chính sách ưu đãi riêng, với mức lương, thưởng không dưới 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, để được tham gia vào mạng lưới này, người bán - trước tiên phải là khách hàng: phải mua và cảm nhận sản phẩm. Chất lượng sản phẩm như thế nào thì không ai kiểm chứng được. Khách hàng phải bỏ ra một số tiền lớn trong khi giá trị thực của món hàng thì không một cơ quan nào kiểm chứng được.
NHIỀU PHIỀN PHỨC
Để được tham gia mạng lưới, người bán hàng phải bỏ ra gần chục triệu đồng để “ôm” hàng. Người bán hàng phải bằng mọi cách bán được hàng và lôi kéo người khác cùng tham gia để hưởng hoa hồng và gỡ lại vốn. Nhưng sản phẩm mới, giá quá cao nên ít người mua. Người bán hàng chỉ còn cách năn nỉ theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Chị Lê Thị Thủy, ở phường 8, TP Tuy Hòa than thở: “Cả ngày làm việc mệt nhọc, buổi tối thư thả một chút với chồng con mà ngày nào anh ta (người bán hàng đa cấp) cũng đến nài nỉ, nên tôi đành mua một món hàng rồi để đó chứ không sử dụng tới”.
Một sản phẩm trong hệ thống bán hàng đa cấp được trưng bày tại một cửa hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: P.MINH
Bán hàng đa cấp không chỉ gây ra sự phiền phức cho nhiều người thân, mà còn làm xáo trộn tình cảm gia đình người bán. Chị Nguyễn Thị Quyên, ở phường 7, TP Tuy Hòa than thở: “Không hiểu vì sức hút nào mà chú tôi tham gia bán hàng đa cấp rồi bắt cả vợ con nghỉ việc để cùng tham gia. Nay ông còn rủ cả chồng tôi góp tiền tham gia, làm gia đình xáo trộn”.
Hiện có rất nhiều nạn nhân của hình thức kinh doanh này. Ông Tuấn Anh ở TX Sông Cầu cho biết: “Ông chú của tôi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp của công ty A, ông liên tục gọi điện thoại thuyết phục tôi phải mua hàng dùng thử và cùng tham gia mạng lưới bán hàng này để nhanh làm giàu. Ông còn vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp, trong đó mỗi tháng thu nhập vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Lúc đầu tôi thấy cũng hay hay, nên đặt mua sản phẩm trị giá trên 5 triệu đồng. Nhưng sau một thời gian dùng thử, thấy không hiệu quả nên tôi không dùng nữa, cũng chẳng dám bán cho ai, chấp nhận lỗ mấy triệu đồng”.
KHÓ QUẢN LÝ
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết: “Bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh phức tạp, dễ phát sinh những biến tướng, gây mất ổn định thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, rất khó quản lý hình thức kinh doanh này, vì theo quy định, kinh doanh hàng hóa theo hình thức đa cấp, doanh nghiệp không đặt trụ sở chính mà chỉ gửi thông báo đến Sở Công Thương biết, trong đó không quy định về địa điểm, thời gian hoạt động và tình hình hoạt động... nên rất khó quản lý”.
Ông Điềm cho biết thêm, tại khoản 2, điều 10 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Như vậy, những cá nhân bán hàng đa cấp kiểu như trên đã vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Sắp tới, khi có văn bản hướng dẫn, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đó xử lý các trường hợp có hành vi quấy rối người tiêu dùng.
PHẠM MINH