Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế đã quen thuộc với người dân và đã thu được nhiều kết quả khích lệ. Riêng lĩnh vực du lịch, công tác xã hội hóa chưa trở thành hoạt động sâu rộng, thu hút nhiều đối tượng tham gia. Vì vậy, việc khơi dậy sức dân là một giải pháp để tiến tới xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên trong thời kỳ hội nhập.
Người dân phố cổ Hội An (Quảng
Hiểu một cách nôm na, xã hội hóa hoạt động du lịch là vận động các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh cùng tham gia phát triển hoạt động du lịch hoặc đóng góp vào các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng... cho các đối tượng du khách. Xã hội hóa hoạt động du lịch là làm cho hoạt động này thực sự trở thành hoạt động “của dân, do dân, vì dân”. Cũng phải nói thêm rằng, xã hội hóa hoạt động du lịch không có nghĩa là giảm đi vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng, hoặc giảm bớt việc đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch.
Phú Yên có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, biển đảo, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa trải đều trên khắp các địa bàn dân cư; hơn nữa sự đa dạng về thành phần tộc người với nhiều sắc thái văn hóa trên vùng đất có bề dày lịch sử đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Đây là nguồn tài nguyên to lớn để thực hiện việc xã hội hóa hoạt động du lịch. Thực tiễn cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, khi người dân thực sự hiểu được giá trị những nguồn tài nguyên mà họ đang nắm giữ và lợi ích do hoạt động du lịch mang lại thì họ sẽ tự giác tham gia vào các hoạt động du lịch. Người dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), đồng bào ở buôn Đôn (Đắk Lắk), các làng, bản ở Sa Pa (Lào Cai), ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), những người dân ở miệt vườn Nam Bộ... là những địa chỉ tiêu biểu về hoạt động xã hội hóa du lịch.
Tại Phú Yên, công tác xã hội hóa hoạt động du lịch thời gian qua chỉ mới dừng lại ở việc người dân đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng), tập trung ở khu vực TP Tuy Hòa và trung tâm các huyện lỵ, thị xã. Trong đó, Công ty cổ phần Thuận Thảo, Công ty TNHH Sao Việt được xem là những cánh chim đầu đàn trong việc thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên. Riêng ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược - là nơi trở về nguồn thì việc đầu tư phát triển du lịch, và người dân biết làm du lịch còn nhiều hạn chế, khó khăn...
Xã hội hóa hoạt động du lịch ở Phú Yên là xu thế tất yếu. Để hoạt động này có hiệu quả và được tiến hành nhanh chóng cần phải khơi dậy sức dân. Nguồn lực trong dân chỉ được khơi dậy khi công tác phổ biến về quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền mạnh mẽ việc xã hội hóa cho toàn dân biết. Tiếp đến là sự hướng dẫn và quản lý hoạt động du lịch của ngành chức năng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Khuyến khích người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hóa của từng dân tộc, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Cần phải có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp thực hiện xã hội hóa hoạt động du lịch.
Thạc sĩ NGUYỄN HOÀI SƠN