Qua một thời gian trồng thực nghiệm, mô hình luân canh lúa - dưa - bắp của xã Hòa Mỹ Ðông (huyện Tây Hòa) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm, thu hút nhiều nông dân tham gia.
Mô hình 50 triệu đồng/ha đã thu hút nhiều nông dân xã Hòa Mỹ Đông tham gia. Trong ảnh: Trồng dưa hấu mang lại hiệu quả cao - Ảnh: T.HƯƠNG |
Hòa Mỹ Đông là một xã thuần nông, cuộc sống của đại đa số người dân địa phương đều dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích đất là mục tiêu mà nhiều nông dân và các nhà quản lý ở địa phương quan tâm. Qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình tăng năng suất của các địa phương khác, năm 2004, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Đông thực hiện mô hình luân canh cây trồng có giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/ năm, cho lãi từ 40% trở lên. Luân canh lúa - dưa hấu - dưa leo được đánh giá là một trong những mô hình thành công, cần triển khai nhân rộng cho nông dân địa phương.
Cuối năm 2008, theo chủ trương của UBND huyện Tây Hòa, UBND xã Hòa Mỹ Đông bắt đầu triển khai nhân rộng mô hình 50 triệu đồng/ha cho 12 hộ nông dân với tổng diện tích trồng trọt là 5ha thuộc các xứ đồng Cửa Chùa, Bến Bổn ở thôn Phú Thọ. Theo kế hoạch ban đầu, nông dân sẽ luân canh trên một diện tích 3 loại cây trồng gồm lúa, dưa hấu và dưa leo. Nhưng qua kiểm nghiệm thực tế thì dưa leo sau khi thu hoạch khó tìm được thị trường tiêu thụ nên UBND huyện Tây Hòa đã đồng ý cho trồng bắp lai thay dưa leo ở vụ thứ ba để ổn định đầu ra. Ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Mỹ Đông, cho biết: “Ban đầu, việc vận động nông dân tham gia thực hiện mô hình luân canh 3 loại cây trồng khác nhau trên một chân ruộng gặp rất nhiều khó khăn, bởi lâu nay bà con chỉ chuyên trồng cây đậu, mì…, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc dưa hấu, bắp lai đều không có nên ngại mất mùa, thất thu. Được sự khuyến khích động viên và hỗ trợ về mặt kỹ thuật của địa phương, 12 hộ nông dân đã đồng ý tham gia mô hình này”.
Sau một năm thực hiện (từ tháng 10/2008 đến tháng 10/2009), mô hình đã cho kết quả rất khả quan, thu nhập bình quân khoảng 58 triệu đồng/ha. So với các loại cây được trồng trước đây thì thu nhập từ mô hình luân canh này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Ông Trần Văn Long, một nông dân tham gia mô hình ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, cho biết: “Lúc trước, mấy sào đất của gia đình tôi chỉ trồng một vụ lúa rồi bỏ hoang cho đến mùa sau nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Từ khi tham gia thực hiện mô hình luân canh cây trồng thì năng suất thu hoạch trên chân ruộng cũ tăng cao, nhờ vậy gia đình tôi có điều kiện mở rộng diện tích gieo trồng, đến nay đã có 5ha thực hiện theo mô hình lúa - dưa hấu - bắp lai, bình quân thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm”.
Thấy được hiệu quả mà mô hình này mang lại, nông dân ở Hòa Mỹ Đông đã học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Đến nay, toàn xã có hơn 30 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình luân canh lúa - dưa hấu - bắp lai với tổng diện tích khoảng 30ha. Ông Ngô Văn Đồng ở thôn Phú Thuận, xã Hòa Mỹ Đông, cho biết: “Thấy các hộ xung quanh thực hiện mô hình luân canh cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi cũng học hỏi kỹ thuật, áp dụng trên 2ha đất. Qua 2 năm thực hiện có hiệu quả, gia đình dự định sẽ mở rộng diện tích gieo trồng ở vụ tới”.
Ông Nguyễn Tấn Nhất, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Đông, cho biết: “Mô hình luân canh lúa - dưa hấu - bắp lai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân ở địa phương phấn khởi đi theo hướng sản xuất mới này, chủ động thay đổi tập quán canh tác truyền thống kém hiệu quả trước đây. Việc nhân rộng mô hình đã tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân vùng dự án, giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân”.
TUYẾT HƯƠNG