Tên thật của ông là Phan Kim Sơn, nhưng bà con chòm xóm vẫn quen gọi bằng cái tên thân mật: ông Năm Ðức. Về thôn Lãnh Vân (xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân) hỏi vợ chồng ông Năm Ðức thì ai cũng biết và nhiệt tình đưa đến tận nhà. Ông là một trong những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Ông Năm Đức. - Ảnh: T.HƯƠNG
Hai vợ chồng ông Phan Kim Sơn xuất thân từ gia đình nông dân nghèo ở vùng đất khô cằn Xuân Lãnh nên khi ra riêng cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Cuộc sống của gia đình ông với 4 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học chỉ trông chờ vào thu nhập từ mấy sào lúa nước. Ông Năm Đức kể: “Ngày đó, nông dân chúng tôi chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên năng suất, hiệu quả lao động không cao. Quần quật cả ngày nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Rồi các con dần lớn lên, mình phải làm sao kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho các con ăn học, sau này có cái chữ nuôi thân. Trăn trở nhiều đêm, hai vợ chồng quyết định vét hết số tiền ít ỏi tích cóp được lâu nay và vay mượn thêm để mua một cái máy cày về cày ruộng thuê cho bà con nông dân. Từ đó kinh tế gia đình dần ổn định”.
Chưa dừng lại, hai vợ chồng ông Đức còn vỡ đất hoang trồng mía để có thêm thu nhập. Ban đầu chỉ vài sào, rồi được một hécta mía. “Thừa thắng xông lên”, vợ chồng ông thuê thêm người để cải tạo đất hoang trồng mía, mua thêm máy cày, máy tuốt để làm dịch vụ. Những tưởng cuộc sống của cả gia đình sẽ ổn định hơn, nhưng vào những năm 1999-2001, mía rớt giá liên tục. Gia đình ông phải bán đổ bán tháo đàn bò và cầm cố nhà cửa để vay ở ngân hàng trả tiền nhân công, phân thuốc và cầm cự qua ngày. Tuy nhiên, thất bại đó không đốn ngã được ý chí vươn lên làm giàu của Năm Đức. Ông vẫn kiên trì làm đất và tiếp tục xuống giống mía, trồng thêm cây sắn. Công sức của ông được đền đáp, các mùa mía tiếp theo sau đó ông liên tục trúng đậm. Số nợ vay mượn lần trước đã trả hết, ông còn có vốn trồng thêm sắn và bạch đàn. Không những thế, gần đây, khi thấy nhiều nông dân ở Bình Định vào thuê đất của bà con để trồng dưa hấu cho thu nhập rất cao, ông lân la học nghề và trồng thử nghiệm. Qua nhiều lần trồng thử, Năm Đức mạnh dạn đầu tư trồng 1ha dưa hấu, hai vụ liền cho năng suất từ 38-40 tấn/ha, trừ chi phí mỗi vụ ông lãi gần 160 triệu đồng. Ông Năm Đức tính toán: “Trồng một vụ dưa chỉ khoảng 70-75 ngày thì thu hoạch, trừ chi phí, ít nhất mỗi vụ lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Một năm có thể trồng khoảng 4 vụ, thu nhập bình quân khoảng 600 triệu/ha, so với các loại cây trồng khác thì lợi nhuận cao hơn nhiều. Tuy nhiên, trồng dưa hấu tối kỵ việc trồng liên tục trên một diện tích, mà phải luân phiên thay đổi đất trồng, ít nhất là 3 năm mới trồng dưa trở lại trên diện tích cũ, có như vậy mới đạt hiệu quả và năng suất”.
Đến nay, vợ chồng ông Năm Đức đã có 6ha mía, sắn và khoảng 3ha bạch đàn đang vào kỳ thu hoạch, 1ha dưa hấu cùng nhiều nông cụ như máy cày, máy tuốt…, thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Người đàn ông sinh năm 1941 này vui vẻ tâm sự: “Cũng nhờ chịu thương chịu khó mà vợ chồng tôi từ hai bàn tay trắng đã gây dựng được cơ nghiệp như ngày hôm nay và có đủ điều kiện để cho các con thực hiện được ước mơ, nguyện vọng của mình”. Hiện 4 người con gái của ông đều đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, lập gia đình và ra ở riêng.
Với vốn kiến thức, kinh nghiệm có được từ nhiều năm trong nghề trồng mía, ông Năm Đức rất sẵn lòng hướng dẫn và truyền lại cho những người mới chập chững vào nghề để cùng làm ăn phát triển, xây dựng quê hương. Ông Võ Trọng
TUYẾT HƯƠNG