Năm 2009, một số địa phương ở Phú Yên đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa. Tuy nhiên, do ruộng trũng sình lầy, độ “lệch” (cao thấp) của các thửa ruộng trong từng cánh đồng còn cao…nên máy gặt đập liên hợp không phát huy tác dụng. Mới đây, có một loại máy gặt đã khắc phục được những hạn chế trên.
Máy gặt đập liên hợp của DNTN Tư Sang 2 trình diễn tại cánh đồng chợ An Đông, thôn Phước Đồng, xã Hòa An - Ảnh: HOÀI NAM |
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, máy gặt đập liên hợp hiện chỉ đáp ứng khoảng 10% diện tích thu hoạch lúa. Phần còn lại phải thu hoạch bằng tay, tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch khoảng 13%, trong khi tỉ lệ này của máy gặt đập liên hợp là dưới 3%. Nếu giảm được 10% số lúa thất thoát sau thu hoạch thì đồng lúa Phú Yên sẽ thu thêm hàng trăm triệu đồng.
Máy gặt đập liên hợp DNTN Tư Sang 2 (tỉnh Tiền Giang) vừa được trình diễn tại cánh đồng Chợ An Đông, thôn Phước Đồng, xã Hòa An (huyện Phú Hòa) được thiết kế năng suất trung bình 1 giờ gặt từ 0,2-0,9ha lúa, tỉ lệ hao hụt không đáng kể (dưới 3%). Máy gọn nhẹ, chỉ nặng 2,4 tấn nên hoạt động tốt trong điều kiện ruộng lún, gặt được lúa ngã đổ, độ sạch trên 95%, ít hao nhiên liệu (15 lít/ha), tỉ lệ hạt vỡ dưới 1% và rơm không nát. Điều đó cho thấy máy gặt đập liên hợp này phù hợp với các chân ruộng. Nông dân Phạm Thành Nguyên ở thôn Phước Đồng, người có mặt trong buổi trình diễn, cho biết: “Mấy năm nay có máy gặt đập nhưng nhà tôi năm nào cũng gặt tay vì ruộng trũng, đến vụ gặt ruộng lún, lúa ngã đổ, các máy ra đời trước đây “chào thua”. Nay loại máy này hoạt động cả ở ruộng lún, ruộng nhỏ manh mún, quả là một phương tiện cần thiết đối với nhiều người làm nông ở vùng trũng”.
Ông Lê Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Hòa An, nói: “Tôi nghĩ trong trường hợp bước vào vụ thu hoạch, gặp mưa lúa ngã thì máy gặt đập liên hợp này sẽ giúp nông dân thu hoạch nhanh gọn, không để hạt lúa ngâm nước nảy mầm như trước đây”. Ông Phan Đời, Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Kiến 3 (TP Tuy Hòa) tính toán: “Với một sào lúa, nếu thuê công cắt mất 210.000 đồng, tuốt thì phải trả chi phí 40.000 đồng, nay thuê máy gặt đập chỉ tốn 120.000 đồng, giảm trên 50% chi phí mà lúa lại không bị rơi vãi”.
Gia đình ông Huỳnh Văn Liêm ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) có 2ha ruộng. Hàng năm, cứ tới mùa thu hoạch là ông phải chạy đôn chạy đáo thuê máy suốt và nhân công. Ông Liêm bảo: “Việc thu hoạch lúa bằng máy gặt đập không chỉ nhàn hơn mà còn có lời. Trung bình một héc ta lúa lời được 3 triệu đồng và không để sót lúa”.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu đầu tư mua máy gặt đập liên hợp thì chỉ trong vòng một năm gặt thuê 2 vụ lúa là lấy lại vốn ban đầu. Ông Võ Hùng Anh ở Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (văn phòng phía nam) thuộc Bộ NN-PTNT, hạch toán: “Giá thành của máy gặt đập liên hợp hiện nay là 273 triệu đồng. Đi cắt thuê 120.000 đồng/sào, với kết cấu máy nhỏ gọn gặt được ở tất cả các thửa ruộng, công suất lớn thì chỉ qua một năm 2 vụ lúa là có thể lấy lại vốn đầu tư ban đầu”.
Máy gặt đập liên hợp đã khắc phục được tình trạng thiếu nhân công gặt, giảm chi phí và thời gian để hoàn thành các công đoạn thu hoạch. Tuy nhiên hiện nay, khâu thu hoạch lúa ở Phú Yên chủ yếu vẫn là thủ công. HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Hòa An có đến 229ha lúa, hầu hết đều gặt thủ công.
Ông Nguyễn Siêng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, nói: “Đưa máy gặt đập vào thu hoạch lúa là một trong những mô hình cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn thuộc đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hiện đại hóa. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích bà con mạnh dạn đầu tư vào mô hình này”.
MẠNH HOÀI