Việc bố trí nguồn vốn để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Hiện chỉ có 5/9 chương trình được phân bổ vốn, trong khi số lượng hộ nghèo theo tiêu chí mới tăng lên đáng kể. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Ðào Tấn Nguyên, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại Phú Yên. Ông Nguyên cho biết:
Ông Đào Tấn Nguyên.
Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt 1.229 tỉ đồng, với khoảng 100.000 hộ còn dư nợ. Trong đó, tập trung vào hai chương trình học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (418 tỉ đồng) và hộ nghèo (430 tỉ đồng). Trong năm 2011, trong số 9 chương trình tín dụng chi nhánh đang triển khai, chỉ có 5 chương trình được Bộ Tài chính phân bổ vốn mới gồm: chương trình tín dụng đối với học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (136 tỉ đồng); nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (10 tỉ đồng); giải quyết việc làm (4,5 tỉ đồng); hỗ trợ xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (3,3 tỉ đồng) và hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (2 tỉ đồng).
* Bốn chương trình tín dụng nào không được phân bổ vốn và việc cho vay mới được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đến thời điểm này, bốn chương trình tín dụng không được phân bổ vốn năm 2011, gồm: hộ nghèo; xuất khẩu lao động; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và thương nhân vùng khó khăn. Việc cho vay mới đối với các chương trình này phụ thuộc vào việc thu hồi nợ các khoản vay của khách hàng đã đến hạn trả mà thôi.
* Trong tổng số dư nợ hiện có của chi nhánh, vốn ngân sách tỉnh cấp bao nhiêu?
- Chỉ có 1 tỉ đồng trong tổng số 1.229 tỉ đồng dư nợ cho vay của chi nhánh là vốn của ngân sách tỉnh chuyển cho chi nhánh, còn lại là vốn do Trung ương phân bổ. Cũng nói thêm rằng, Phú Yên là tỉnh có số vốn do ngân sách địa phương cấp để triển khai các chương trình tín dụng hộ nghèo và đối tượng chính sách khác ít nhất so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Những tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp hơn Phú Yên như Ninh Thuận, Kon Tum cũng trích ngân sách cả chục tỉ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.
* Tình hình huy động vốn tại địa phương của chi nhánh như thế nào, thưa ông?
- Rất khó khăn, vì không thể cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Hiện tổng nguồn vốn huy động của chi nhánh chỉ 13 tỉ đồng. Số vốn này huy động từ khách hàng tại các tổ tiết kiệm – vay vốn của Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên ở các địa phương trong tỉnh, theo hình thức không kỳ hạn. Đối tượng khách hàng gửi tiết kiệm đa phần là hộ nghèo và đối tượng chính sách, nên mỗi khách hàng chỉ có thể gửi vài chục ngàn đồng, và mục đích chính của việc huy động này là để tạo thói quen tích lũy vốn liếng cho người nghèo, dự phòng khi khó khăn không chứ không phải để bổ sung vốn cho ngân hàng triển khai việc cho vay.
Người nghèo ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) phát triển kinh tế V-A-C từ vốn ưu đãi của Nhà nước. - Ảnh: Q.THUẦN
* Trước tình hình nguồn vốn hạn chế như vậy, chi nhánh có giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thưa ông?
- Trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, số lượng hộ nghèo theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể, không còn cách nào khác là chi nhánh phải tăng cường công tác thu hồi nợ các khoản vay của khách hàng đã đến hạn hoặc quá hạn thì mới có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn trong thời gian tới. Muốn làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các xã, phường, tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác vốn, trong đó tổ tưởng tổ tiết kiệm – vay vốn tại các thôn, buôn đóng vai trò nòng cốt trong việc đôn đốc các thành viên của tổ mình trả nợ đúng hạn. Ngoài ra, chi nhánh cũng kiến nghị tỉnh sớm trích nguồn ngân sách tỉnh; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có vốn nhàn rỗi gửi tiết kiệm tại chi nhánh để bổ sung vào nguồn vốn phục vụ việc cho vay trong thời gian tới.
* Xin cảm ơn ông!
QUANG THUẦN