Chủ Nhật, 06/10/2024 11:27 SA
Sản xuất lúa thời biến đổi khí hậu
Thứ Ba, 29/03/2011 13:56 CH

Trước tình trạng sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do biến đổi khí hậu, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên tổ chức lớp học nằm trong chương trình “Bucap thích ứng với biến đổi khí hậu”.

 

Lớp học gồm 17 học viên, được tổ chức tại xã An Ninh Tây (huyện Tuy An). Đây là vụ thứ 2 liên tiếp nông dân tham gia lớp học chọn giống, phục tráng giống và chọn dòng phân ly để tiến đến lai tạo thành công giống lúa thuần thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt tên địa phương.

 

lua110329.jpg

Hội thảo đầu bờ chương trình Bucap tổ chức tại HTX NN An Ninh Tây (Tuy An) - Ảnh: H.NAM

 

RỬA MẶN TRÊN ĐẤT PHÈN

 

Ông Nguyễn Hoàng Phố, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp An Ninh Tây, phân tích: Chỉ tính riêng xã An Ninh Tây có 70ha/385ha lúa thường xuyên bị nhiễm mặn. Mỗi vụ nước mặn xâm nhập đã làm thiệt hại các cánh đồng hàng trăm triệu đồng. Tình trạng nước biển xâm nhập phức tạp hơn và lấn sâu nhanh vào đất liền với nồng độ cao hơn, vì thế phải tạo ra giống lúa chống chịu phèn mặn để nông dân có thu nhập.

Lớp học diễn ra 10 tuần. Mỗi tuần một buổi, các học viên ra ruộng, nghiên cứu các thí nghiệm bón phân lân trên đất phèn, mặn, đồng thời đánh giá tác động phèn, mặn ảnh hưởng đến sinh lý của cây lúa. Qua đó, học viên đưa ra giải pháp tăng số lượng bón phân lân đem lại hiệu quả cao.

 

Nhìn thửa ruộng nhiễm mặn với hàng nghìn lá lúa non đang vươn dài, lòng mọi người dâng lên niềm vui. Chị Trần Thị Liễu Thu, một học viên lý giải: “Chúng tôi dùng phương pháp phân ô trên ruộng để nghiên cứu. Sau khi gieo sạ các giống lúa trên diện tích đất nhiễm phèn, mặn kết quả cho thấy đối với diện tích lúa tăng cường bón phân lân để rửa phèn bông lúa chắc mẩy, hạt sáng, năng suất cao”.

 

Chương trình được thực nghiệm trên 2.250m2, phân ra từng vùng, ruộng nghiên cứu, ruộng phục tráng giống và ruộng lai tạo chọn dòng phân ly với các giống lúa khác nhau nhằm phát triển nguồn gen cây lúa phù hợp chất đất. Cánh đồng xã An Ninh Tây vốn bị nhiễm mặn, trước đây có những vụ lúa trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển tươi tốt thì bị ngã rạp do nước biển xâm thực. Qua 2 vụ tuyển chọn, nông dân đã chọn được các giống lúa MTL588, BL29, MTL512, AS996 và ML49 chống chịu được phèn, mặn. Ông Nguyễn Thanh Hồng, một học viên cho hay: “Tại cánh đồng Thủy, đồng Tiệm, đồng Hạ, đồng Làng… có những đám ruộng ngập úng. Sau khi nước rút, cây lúa còn sống sót thưa thớt chưa kịp ra lá non thì lớp phèn từ dưới đất phụt lên, “xóa sổ”. Nông dân nhìn vụ lúa mất trắng mà chỉ biết than trời. Lớp học nghiên cứu tuyển chọn các giống lúa đứng vững trên đất phèn, mặn, về sau làm lúa chúng tôi không sợ mất mùa nữa”.

 

Điều đáng nói là qua lớp học giúp thay đổi thói quen của người nông dân phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nông dân Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Từ khi tham gia lớp học, nắm được kỹ thuật chọn tạo giống chịu mặn, chịu phèn thích ứng với vùng đất này, vụ lúa năm nay tôi gieo sạ 220m2. Khi lúa trổ, nhìn đám lúa nhà tôi bông lúa dài, hạt sáng, ai cũng trầm trồ và họ tìm đến nhà hỏi mua giống. Vì số lượng ít nên tôi chỉ hứa bán cho 17 người, mỗi người 2-3kg”. Cũng theo ông Thắng, để năng suất, sản lượng đạt cao phải áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng mạnh dạn áp dụng phương pháp này. “Đầu vụ, tôi phân hàng để cấy lúa, thấy thưa quá vợ tôi rất lo, bây giờ lúa tốt, năng suất cao “bà nhà” phấn khởi” - ông Thắng nói.

 

Thạc sĩ Nguyễn Lê Lanh Đa, Trưởng Phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho biết: “Tỉ lệ nông dân quen sử dụng giống cũ, giống thoái hóa trước đây chiếm đến 90%. Qua lớp học này, họ ý thức việc trao đổi giống với nhau, góp phần cải thiện chất lượng giống trong cộng đồng”.

 

TẠO BỘ GIỐNG ĐẶT TÊN ĐỊA PHƯƠNG

 

Sau 2 vụ lai tạo các giống lúa, đến nay 17 học viên lai tạo được 4 dòng phân ly. Các “kỹ sư đồng ruộng” đã tập trung theo dõi những dòng phân ly vụ trước để tiếp tục chọn tạo những dòng tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. “Cái hay của việc tham gia lớp học này là thường xuyên phân tích hệ sinh thái của cây lúa từng giai đoạn, từ đó tìm ra đặc tính các giống lúa, lai tạo chọn ra các giống lúa thích ứng” - chị Lê Thị Đẹp ở An Ninh Đông nói.

 

Tuy nhiên, để tạo ra giống lúa thuần thì phải tổ chức lai tạo chọn dòng phân ly liên tiếp 8 vụ, thế nhưng điều kiện chương trình Bucap chỉ cho phép tổ chức 2 vụ và đến vụ này đã kết thúc. Tuy vậy, do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến xấu đã thôi thúc các học viên ham học và quyết tâm lai tạo thành công giống lúa thuần đặt tên địa phương. “Chúng tôi ăn cơm nhà đi học cũng được, miễn sao lai tạo được giống lúa thuần mang tên địa phương” - chị Lê Thị Thủy, nói.

 

Ông Nguyễn Hữu Doãn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ một phần kinh phí để lớp học tiếp tục duy trì, nếu thành công thì đây là hợp tác xã đầu tiên chính nông dân lai tạo giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cũng theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, đây là lớp học do SEARICE, tổ chức nâng cao năng lực cộng đồng vùng châu Á, hỗ trợ mở lớp học đầu tiên tại Việt Nam. Nghiên cứu này họ đặc biệt quan tâm để biết sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học nông nghiệp và hệ thống cung ứng giống tại cộng đồng.

 

HOÀI NAM - HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek