Thứ Năm, 28/11/2024 15:39 CH
Phòng chống dịch bệnh gia súc:
Nâng cao vai trò của thú y cơ sở
Thứ Bảy, 25/12/2010 07:38 SA

Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, song số lượng gia súc nhiễm bệnh, chết hàng năm vẫn còn ở mức cao. Theo các địa phương cũng như các ngành chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém, bất cập của đội ngũ thú y cơ sở và ý thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tiêm phòng.

 

bo-lai101225.jpg

Chăn nuôi bò đàn ở huyện Sông Hinh - Ảnh: P.NAM

 

“ĐIỆP KHÚC” DỊCH BÙNG PHÁT

 

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, năm 2010, tình hình dịch bệnh gia súc diễn biến khá phức tạp. Từ cuối tháng 9/2010 đến nay, dịch bệnh tai xanh đã xảy ra tại 15 thôn, 14 xã, phường và 5 huyện, thành phố với hơn 300 con heo mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy. Hiện nay, dịch bệnh này đã được khống chế. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, dịch lở mồm long móng lại trở nên phức tạp. Tính đến đầu tháng 12/2010, toàn tỉnh có gần 1.500 con bò mắc bệnh tại 26 thôn, 14 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Nhiều nhất là ở các huyện Sông Hinh, Đồng Xuân, TP Tuy Hòa và TX Sông Cầu. Đặc biệt, dịch lây lan mạnh tại các thôn buôn của huyện Sông Hinh. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho biết: “Trong đợt dịch vừa qua, toàn huyện có gần 3.000 con bò mắc bệnh, nhiều nhất là ở thị trấn Hai Riêng và các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Lâm. Trước tình hình trên, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đề cao ý thức của người dân, nên kịp thời khống chế dịch”.

 

Ở huyện Đồng Xuân, tuy các ngành chức năng và địa phương phối hợp triển khai khá tốt công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng cả hai đợt, song trong tháng 9, dịch lở mồm long móng cũng đã xảy ra ở các xã Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2 và Xuân Long, với hơn 130 con bò mắc bệnh, 6 con bị chết. Còn ở huyện Sơn Hòa, ông Hoàng Trọng Tùng, Trưởng Trạm Thú y huyện, cho biết: “Tuy có khó khăn, nhưng nhờ triển khai tốt công tác tiêm phòng, với tỉ lệ tiêm hàng năm đều đạt trên 90% tổng đàn, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng dịch, tiêu độc, khử trùng, chăm sóc trâu bò trong mùa mưa lũ nên huyện Sơn Hòa không để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng”.

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HỢP LÝ

 

Thực trạng yếu về năng lực, trình độ, hạn chế về số lượng, lòng nhiệt huyết trong phòng chống dịch bệnh của đội ngũ thú y cơ sở đang là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm, vì đây là lực lượng tiên phong, tham gia phát hiện và dập dịch. Vài năm trở lại đây, ngoài thú y xã, thú y thôn buôn hầu như không còn. Theo các địa phương miền núi, mức hỗ trợ 660.000 đồng/tháng cho thú y xã là quá thấp, không đủ chi phí đi lại do các khu dân cư miền núi thường không tập trung. Mức bồi dưỡng tiêm 2.000 đồng/con cho cả thú y xã, trưởng các thôn buôn và cán bộ nông nghiệp là không đủ khích lệ họ phát huy hết tinh thần trách nhiệm. Ông Nguyễn Thành Thái, cán bộ thú y xã Suối Bạc, địa phương có số lượng đàn bò khá lớn của huyện Sơn Hòa, bày tỏ: “Chúng tôi làm vì tinh thần trách nhiệm là chính, chứ sự hỗ trợ chẳng đáng là bao. Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống, không còn cách nào khác, chúng tôi phải tranh thủ làm thêm công việc khác”.

 

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh chia sẻ: “Toàn huyện có 11 cán bộ thú y xã, trong đó chỉ có hai người có trình độ trung cấp, còn lại là chưa qua đào tạo. Chúng tôi đã phải bồi dưỡng nghiệp vụ và kêu gọi các trưởng thôn buôn tham gia vào công tác tiêm phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Nhưng vì số lượng đàn bò quá lớn, từ 900 đến gần 4.000 con ở mỗi xã, trong khi đó lực lượng thú y quá mỏng, nhiều địa phương, thú y thôn buôn không còn, hoặc không tham gia phòng chống dịch, đó là chưa nói đến ý thức, tránh nhiệm trong việc tạo điều kiện tiêm phòng cho gia súc của người dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tiêm phòng hàng năm còn thấp”.

 

Một trong những địa phương có tỉ lệ tiêm phòng hàng năm cao và phòng chống dịch bệnh khá tốt như huyện Sơn Hòa cũng gặp không ít khó khăn. Ông Hoàng Trọng Tùng, Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: “Trước đây, địa phương nào ít cũng có từ 1- 2 thú y thôn buôn, nhiều thì 4 - 5 người. Hàng năm được trạm mời về huyện tập huấn, sau đó triển khai công tác rất hiệu quả, nhưng cũng chỉ được một thời gian là đâu lại vào đấy”. Ông Tùng cho biết thêm, có những kíp từ 2-3 người tham gia tiêm một buổi, thu nhập vỏn vẹn 20.000 đồng, đó là chưa nói đến việc thu phí gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm “đến hẹn lại lên” ở hầu hết các địa phương, nhất là các huyện miền núi đang là nỗi lo thường xuyên của chính quyền cơ sở. Đề xuất được đưa ra là Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho thú y cơ sở để gắn kết trách nhiệm, khuyến khích lực lượng này tham gia. Trong chăn nuôi cần khuyến khích phát triển trang trại và các cơ sở chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp, gắn với an toàn dịch bệnh và xử lý môi trường.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek