Thứ Bảy, 05/10/2024 00:23 SA
Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng:
Vốn tồn đọng, rừng chưa thành
Thứ Năm, 23/12/2010 07:12 SA

Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng góp phần nâng cao độ che phủ, chất lượng rừng, vùng nguyên liệu, khả năng phòng hộ, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt và xóa đói, giảm nghèo... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

r101223.jpg
Dự án trồng 5 triệu hécta rừng tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa - Ảnh: P.NAM

 

VỐN TỒN ĐỌNG

 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án 5 triệu hécta rừng, Thủ tướng Chính phủ đã có một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015. Đó là việc điều chỉnh, bổ sung suất đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng là 15 triệu đồng/ha/5 năm (bao gồm 1 năm trồng và 4 năm chăm sóc), khoán bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên là 200.000 đồng/ha/năm. Mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất áp dụng trên cơ sở phù hợp với giá cả thực tế tại địa phương.

Theo Sở NN-PTNT, qua 10 năm thực hiện dự án 5 triệu hécta rừng (1999-2010), kết quả đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và đặc dụng chu kỳ đầu tư 5 năm hơn 58.000ha, đạt 86% so với dự án tổng quan. Dự án trồng mới được gần 246.000ha, giao khoán rừng phòng hộ gần 187.000ha, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên hơn 6.600ha và trồng bổ sung cây lâm nghiệp hơn 4.200ha. Bước đầu, dự án đã góp phần nâng cao độ che phủ, chất lượng rừng, tạo vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo đối với người dân miền núi. Rừng cũng đã phát huy được chức năng phòng hộ, chống xói mòn, rửa trôi tầng đất mặt, thảm thực vật tích trữ được nước, góp phần hạn chế được hạn hán, lũ lụt. Hệ thống rừng ven biển phát huy được năng lực phòng hộ, hạn chế tình trạng cát bay, bảo vệ sản xuất khu dân cư, các công trình và chắn gió hại.

 

Cũng theo Sở NN-PTNT, dự án 661 có diện tích rừng khoanh nuôi, trồng bổ sung cây lâm nghiệp gần 2.130 ha, nhưng chỉ có hơn 1.400ha thành rừng. Qua đánh giá, diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng không thành rừng là do hạn hán, bão lụt...(!?) Theo kế hoạch, năm 2010, tổng mức đầu tư cho các công trình lâm sinh, cơ sở hạ tầng gần 22,4 tỉ đồng, nhưng giải ngân cả năm ước hơn 18,6 tỉ đồng, chỉ đạt 83%.

 

Thực tế, chỉ có diện tích rừng trồng mới đạt 118%, còn lại phần lớn chỉ tiêu, kế hoạch phát triển các loại rừng năm 2010, thuộc dự án 661 đều không đạt. Cụ thể, diện tích rừng được bảo vệ đạt 81%, chăm sóc rừng đạt 86%, diện tích khoanh nuôi tái sinh đạt 72%; mật độ che phủ rừng là 35%, đạt 99% kế hoạch. Tại huyện Sơn Hòa, diện tích giao khoán bảo vệ rừng năm 2010 so với cùng kỳ giảm gần 840ha; diện tích khoanh nuôi giảm hơn 333ha. Tại huyện Đồng Xuân, diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2010 là 882ha, chỉ bằng 47% so với cùng kỳ, trong đó rừng phòng hộ thuộc dự án 661 là 200ha, rừng sản xuất thuộc dự án phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên chiếm 306ha. Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 389ha, bằng 58% so với cùng kỳ.

 

Ông Huỳnh Xuân Quang, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: “Việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất cho nhân dân không triển khai được là do các địa phương không lập dự án đầu tư, suất đầu tư trồng rừng thấp. Trong khi đó, các dự án trồng rừng như rừng kinh tế của các doanh nghiệp, các dự án trồng rừng Việt Đức, dự án phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên có vốn đầu tư từ 16 đến hơn 19 triệu đồng/ha nên không kích thích các ban quản lý tích cực trồng rừng. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tồn đọng vốn từ năm 2006-2009 khoảng 25,5 tỉ đồng.

 

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ THỰC HIỆN?

 

Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong bảo vệ, phát triển rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan triển khai xác định ranh giới và đóng mốc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp giai đoạn 2010-2020; rà soát, điều chỉnh lại lâm phần của các dự án cơ sở trồng mới 5 triệu hécta rừng; quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn và đơn vị chủ rừng.

 

Theo UBND tỉnh, cuối năm 2010, địa phương đã cơ bản khắc phục một số tồn tại trong công tác trồng rừng của các doanh nghiệp năm 2009. Điều này tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ trồng rừng năm 2010, nâng tỉ lệ độ che phủ rừng lên 35%. Tuy nhiên, số vụ vi phạm trong bảo vệ phát triển rừng vẫn còn cao. Năm 2011, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án trồng rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thiết kế trồng rừng hợp lý, khoa học. Tỉnh cũng sẽ kiên quyết ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, khai thác cây rừng, cây cổ thụ làm cảnh.

 

PHƯƠNG NAM - VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek