Phú Yên có xuất phát điểm kinh tế thấp, vì thế việc nhận diện thời cơ, thách thức để có chiến lược cụ thể phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế, tích cực chủ động cùng với cả nước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề cần thiết và cấp bách.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO – dự kiến trong tháng 10 năm nay) thì vấn đề cạnh tranh càng trở nên sôi động và gay gắt. Cạnh tranh sản phẩm chủ yếu dựa trên lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên, lao động rẻ với giá trị gia tăng sản phẩm thấp.
Đầu tư công nghệ mới để nhanh chóng hội nhập kinh tế
DN CHƯA THẤY HẾT THÁCH THỨC CỦA HỘI NHẬP KINH TẾ
Ở Phú Yên, các nhóm ngành công nghiệp được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh là công nghiệp dệt may, chế biến thuỷ hải sản, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp (DN) Phú Yên chủ yếu là vừa và nhỏ, hàng xuất khẩu vẫn ở dạng thô, chưa có hàng hóa hàm lượng công nghệ cao lại thiếu thương hiệu nổi tiếng nên khả năng xuất khẩu còn thiếu tính bền vững, giá trị gia tăng thấp và còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá cả trên thị trường thế giới.
Cơ cấu kinh tế Phú Yên trong những năm qua chuyển dịch tương đối khá, nhưng tỉ trọng công nghiệp vẫn còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng các sản phẩm sau chế biến giá trị gia tăng không cao, cơ cấu các mặt hàng tương đồng với các tỉnh trong vùng và các nước trong khu vực. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa nhận thức đầy đủ thời cơ, thách thức to lớn trong việc hội nhập kinh tế. Bên cạnh mở rộng thị trường vào các nước với mức thuế suất ưu đãi thì các doanh nghiệp phải đối đầu với sự cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cùng lĩnh vực ngành nghề. Mặt khác, môi trường thu hút đầu tư của Phú Yên chưa thật sự hấp dẫn. Đồng thời các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản do công nghệ còn lạc hậu, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và từ trong dân cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp không cao.
ĐỂ TÌM ĐƯỢC LỢI THẾ CẠNH TRANH
Để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Phú Yên trong quá trình hội nhập, giúp nền công nghiệp phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng cao, ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công nghiệp Phú Yên cho rằng: Về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh việc thực hiện, tuyên truyền các lộ trình cắt giảm thuế quan, nguy cơ, thách thức đối với các doanh nghiệp khi nước ta thực hiện các cam kết trong quan hệ thương mại quốc tế; Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đó ưu đãi, hỗ trợ về thuế, tín dụng; ưu đãi xuất nhập khẩu… Phú Yên phải thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế để thâm nhập thị trường, đồng thời định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao. Song song đó, tỉnh cần tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở chế biến, gia công xuất khẩu sản phẩm thô sang sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh tham gia xuất khẩu; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các DN áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và tìm kiếm đối tác, thị trường, gia tăng quảng bá sản phẩm ra nước ngoài; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng các KCN, cụm điểm công nghiệp…
Khi tham gia WTO, các DN sản xuất công nghiệp phải tự cơ cấu lại mô hình hoạt động vì nguồn nhân lực tuy dồi dào nhưng thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, chưa đáp ứng được quá trình hội nhập. DN cần chủ động định hướng chiến lược sản xuất, trong đó ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực chủ lực có khả năng cạnh tranh cao; Chủ động thu thập, xử lý và phản ứng nhanh với thông tin thị trường và các lộ trình hội nhập.
NGUYÊN KHANG