Thông qua chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, nhiều làng nghề truyền thống ở Phú Yên được hồi sinh, nhiều nghề mới được du nhập tạo công ăn việc làm cho lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số làng nghề đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm, vốn đầu tư...
Làng nghề đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) đang hồi sinh từng ngày. - Ảnh: T.Q
Nghề đan đát được người dân Vinh Ba, xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) truyền từ đời này sang đời khác. Sản phẩm chủ yếu là những vật dụng phục vụ đời sống nông nghiệp như gàu tát nước, nong nia, thúng mủng, nừng, sàng… Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện. Những năm gần đây, từ khi xuất hiện cơ sở Đồng Nhất, du nhập nghề đan đát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa, sợi lá buông… đã giúp hàng trăm lao động (chủ yếu là nữ) trong xã có việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, làng nghề trở nên nhộn nhịp, các hộ dân ở đây đều chong đèn đến khuya để đan giỏ tặng quà, giỏ đựng trái cây, giỏ hoa… bằng cọng dừa.
Ông Mai Ne, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng cho biết: Nhờ sự hồi sinh của làng nghề mà nhiều người có thu nhập khá. Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để các cơ sở, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất.
Làng nghề đan đát Vinh Ba nhộn nhịp như hôm nay ngoài sự tận tâm bám trụ của người dân làng nghề còn có sự trợ lực của chương trình khuyến công tỉnh và Chính phủ. Năm 2004, Sở Công Thương (trước đây là Sở Công Nghiệp) đưa nghề đan giỏ, lẵng hoa bằng nứa về đào tạo cho xã viên HTX Hòa Đồng. Chính những học viên lớp đào tạo này đã trở thành nòng cốt để truyền nghề, mở rộng sản xuất, trong đó có cơ sở Đồng Nhất thành lập năm 2005. Cơ sở này đã mở ra một hướng đi mới cho làng nghề sản xuất thêm các mặt hàng giỏ xách, giỏ đựng hoa, giỏ đựng trái cây... Từ năm 2007 đến nay, thông qua chương trình khuyến công, gần 500 lao động địa phương, trong đó có cả lao động là người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề, góp phần làm cho làng nghề ngày càng phát triển.
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 20 làng nghề truyền thống, trong đó có 7 làng nghề được công nhận theo tiêu chí mới của Bộ Công Thương là: Làng nghề bó chổi Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), sản xuất bánh tráng Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), đan đát Vinh Ba (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), trồng dâu nuôi tằm (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), sản xuất muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu), chế biến nước mắm Gành Đỏ (xã Xuân Thọ II, TX Sông Cầu) và làng nghề nước mắm, phơi sấy cá cơm (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu).
Từ năm 2005 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình khuyến công quốc gia và tỉnh, Trung tâm Khuyến công Phú Yên để hỗ trợ công tác truyền nghề, đào tạo nguồn nhân lực ở các làng nghề truyền thống và nhân cấy những nghề mới. Ngoài làng nghề đan đát Vinh Ba, một số làng nghề khác trong tỉnh thuộc diện hỗ trợ của chương trình khuyến công đang có sự hồi sinh tốt như làng nghề nước mắm Gành Đỏ, phơi sấy cá cơm, đan bóng cá mò o Xuân Hòa (TX Sông Cầu), bó chổi Mỹ Thành (huyện Phú Hòa)… Các làng nghề truyền thống này thu hút trên 2.600 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho trên 6.600 lao động có thu nhập ổn định. Du nhập một số nghề mới như gốm đất nung, thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa, sợi lá buông, vỏ gáo dừa, ốc mỹ nghệ… Ông Huỳnh Công Điềm, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Phú Yên, cho biết: Qua 5 năm từ nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện 51 dự án hỗ trợ cho các làng nghề, đào tạo 5.500 lao động. Tổng kinh phí cho chương trình này là hơn 4 tỉ đồng. Qua đó, đã tạo động lực phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh… Thu nhập mỗi lao động bình quân 1,2 – 1,5 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, cũng có không ít những làng nghề sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề, cơ sở hạ tầng vẫn lay lắt vì những khó khăn về nguồn vốn, đầu ra sản phẩm, khan hiếm nguồn nguyên liệu… Đơn cử như làng gốm đất nung Hòa Vinh hiện đang đứng trước nguy cơ mai một, dù được Trung tâm Khuyến Công Phú Yên đã xây dựng chương trình đào tạo nghề gốm đất nung mỹ nghệ, hy vọng tạo hướng mở phát triển làng nghề. Chương trình đã đưa nhân công đến Quảng
Ông Huỳnh Công Điềm khẳng định: Một trong những mục tiêu lớn mà chương trình khuyến công xác định trong thời gian tới là tập trung khôi phục làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới, đào tạo nguồn nhân công tại chỗ; cùng với các cấp các ngành tham gia tháo gỡ những khó khăn cho các làng nghề truyền thống.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, hiện các làng nghề cũng đang được hỗ trợ kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm và các chương trình khác, góp phần trợ lực cho những làng nghề truyền thống phát triển.
THẾ NHƠN