Bằng các nguồn vốn, Phú Yên đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng 80 công trình cấp nước sạch tập trung, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí.
Công trình nước sạch ở buôn Thung (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) ngừng hoạt động hơn một năm nay - Ảnh: NGỌC CHUNG |
NHIỀU CÔNG TRÌNH KÉM CHẤT LƯỢNG
Theo Sở Y tế Phú Yên, sau khi kiểm tra 18 lượt đối với 7 công trình cấp nước tập trung (phục vụ nước sinh hoạt cho từ 500 người/công trình trở lên), có 8 lượt không đạt tiêu chuẩn theo quy định Bộ Y tế, chiếm tỉ lệ 44,4%. Trong đó, 2 công trình có từ 2 lượt kiểm tra trở lên đều không đạt tiêu chuẩn. Tổng số mẫu xét nghiệm là 58, nhưng đã có tới 21 mẫu không đạt.
Tại kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh khóa V, nhiều đại biểu đặt vấn đề về hiệu quả đầu tư, khai thác các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các vùng nông thôn miền núi. Một lần nữa công trình nước sạch xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) lại được đưa lên bàn nghị sự vì sau nhiều năm đi vào hoạt động kém hiệu quả. Công trình trên đã xảy ra nhiều sai sót, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Phú Yên cho rằng, nói đến nước sạch Ea Lâm là cử tri không tin nữa, vì một công trình tiền tỉ làm đi, làm lại mãi mà không có nước cho dân sử dụng. Còn theo bà K’So Chiểu đại biểu HĐND tỉnh của huyện Sông Hinh: “Cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri xã Ea Lâm là chúng tôi rất ái ngại và cảm giác như mình đang lừa dối dân, vì cứ hứa đi hứa lại mãi, còn dân chờ nước sạch thì cứ chờ”. Hơn thế nữa, tỉnh chỉ đạo Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN-PTNT) tiếp tục đầu tư hàng tỉ đồng sửa chữa, nâng cấp, nhưng đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), năm 2006 nhà nước đầu tư hai công trình nước tập trung cung cấp nước cho các thôn buôn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động đã bộc lộ sự kém hiệu quả. Công trình Trạm bơm Hòa Bình (thôn Hòa Bình) được xây dựng gần 1 tỉ đồng, do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, cung cấp nước cho hơn 300 hộ dân ở ba thôn Hòa Bình, Hoà Nghĩa, Hòa Thuận, nhưng chỉ sau một năm đưa vào sử dụng, hệ thống đã ngưng hoạt động, toàn bộ công trình bị bỏ hoang.
Xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có hơn 630 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa nắng nóng, nhiều hộ phải uống nước từ những con suối, khe lạch. Không ít gia đình sử dụng nước từ kênh mương nội đồng để giặt giũ, sinh hoạt. Trong khi đó trên địa bàn xã có hai công trình nước sạch, vốn đầu tư hàng tỉ đồng, một bị mưa lũ năm 2009 cuốn trôi toàn bộ hệ thống nhưng chậm được khắc phục, công trình còn lại hoạt động không hiệu quả.
Người dân xã vùng cao Phú Mỡ (Đồng Xuân) phải sử dụng nước kênh mương nội đồng để tắm rửa, giặt giũ mặc dù công trình cấp nước sạch đã được đầu tư - Ảnh: P.NAM |
BẤT CẬP TRONG ĐẦU TƯ
Qua kiểm tra của Sở Xây dựng, các đơn vị từ chủ đầu tư, đến khảo sát địa chất, thiết kế, tư vấn giám sát và thi công đều có sai phạm. Đơn cử như ba công trình nước sạch tại các xã: Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu), An Xuân (huyện Tuy An) và Hòa Hội (huyện Phú Hòa) do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư không có cán bộ chuyên môn đủ năng lực để kiểm tra, giám sát các nhà thầu. Mặt khác, việc lựa chọn các đơn vị từ khâu khảo sát địa hình, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, giám sát, thi công đều không đủ năng lực hoặc không có chức năng hoạt động theo quy định, thanh toán vượt khối lượng thực tế... Điển hình như công trình nước sạch xã Hòa Hội, đơn vị thi công xây dựng là Công ty cổ phần xây dựng Trung Trung Bộ đã thi công sai hồ sơ thiết kế được duyệt nhưng chủ đầu tư vẫn nghiệm thu, đồng thời còn ký hợp đồng kinh tế sai nguyên tắc để thực hiện việc khoan khảo sát thăm dò nguồn nước.
Trên cơ sở thanh tra tại các công trình nước sạch, các ngành chức năng phát hiện nhiều đơn vị tham gia thiết kế, thi công không đủ chức năng nhưng vẫn được nhận thầu. Vì vậy các giải pháp thiết kế chưa được hợp lý, hồ sơ thiết kế dự toán chưa đảm bảo yêu cầu. Một số đơn vị tư vấn giám sát thi công cử cán bộ giám sát không đúng chuyên ngành, dẫn đến hậu quả là nhà thầu thi công sai hồ sơ thiết kế được duyệt, nghiệm thu thanh toán vượt khối lượng thực tế ở một số hạng mục DNTN Hiệp Đức, DNTN xây dựng Trường Thành và Công ty cổ phần xây dựng Trung Trung Bộ là những nhà thầu thi công xây dựng và cung cấp thiết bị cho ba công trình trên, đã có những sai phạm như nhận thầu thi công vượt quá năng lực, bố trí cán bộ làm chỉ huy trưởng công trình không đủ năng lực. Trong quá trình thi công chưa tuân thủ chặt chẽ những quy định về quản lý chất lượng công trình, thi công một số hạng mục sai hồ sơ thiết kế và lập hồ sơ thanh toán khối lượng vượt so với thực tế…
CÓ CÔNG TRÌNH, DÂN VẪN CHỜ NƯỚC
Ông Nguyễn Thanh Tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, từ phản ánh của cử tri, HĐND tỉnh đã nhiều lần triển khai kiểm tra, giám sát các công trình cấp nước sạch tập trung. Qua đó đã phát hiện trên 60% công trình chất lượng nước bị nhiễm phèn, nhiễm vi sinh, chất hữu cơ. Đơn cử như các công trình cấp nước ở Ea Lâm, Hội Sơn, Xuân Thọ 1, Phú Sen, Lương Sơn… Số hộ dân được sử dụng nước so với thiết kế đạt rất thấp. Cụ thể, hệ thống cấp nước xã vùng cao Ea Lâm (huyện Sông Hinh) cấp nước sinh hoạt cho 373 hộ nhưng thực tế chỉ 38% số hộ được sử dụng nước theo kiểu nhỏ giọt; hệ thống cấp nước xã Hoà Hội (huyện Phú Hòa) được đầu tư hơn 885 triệu đồng, theo thiết kế cấp nước sạch cho 223 hộ, thực tế chỉ 40 hộ sử dụng; hệ thống cấp nước ở Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) không những chất lượng nước không đạt, mà chỉ cung cấp được cho 100 hộ so với thiết kế là 353 hộ.
Ngoài ra khâu quản lý, vận hành cũng là việc đáng bàn, hầu hết các công trình sau khi hoàn thành đều được bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật vận hành nên hoạt động của các hệ thống nước không đảm bảo, có công trình chỉ sau một thời gian ngắn đã bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều nơi thu tiền nước không đủ để trả công cho tổ vận hành, trả tiền sử dụng điện. Tuy nhiên, nhiều địa phương có cách quản lý tốt, các công trình nước sạch vẫn phát huy hiệu quả phục vụ nước sinh hoạt cho bà con.
PHƯƠNG