Là một bộ phận của ngành công nghiệp, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) với hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình cùng với hợp tác xã và một số doanh nghiệp nhỏ đã tạo ra nhiều mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Nền TTCN phát triển theo định hướng phục vụ nông- lâm- ngư nghiệp và nông thôn, giải quyết một lực lượng lớn lao động nông thôn, nâng cao đời sống xã hội và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá- hiện đại hoá nông thôn.
Nhiều làng nghề đan đát đã phát triển ở Phú Yên, giải quyết được hàng ngàn lao động vùng nông thôn- Ảnh: D.T.X
Với những chính sách phù hợp và bằng nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, công tác khuyến công đã khuyến khích huy động mọi nguồn lực tham gia bỏ vốn đầu tư phát triển nhiều ngành nghề. Nhiều nghề truyền thống được khôi phục, đồng thời du nhập thêm nhiều nghề mới gắn với vùng nông thôn, góp phần khai thác hiệu quả các thế mạnh về nguyên liệu, lao động phổ thông và lao động có tay nghề của địa phương. Sản xuất TTCN phát triển khá tốt ở nhiều vùng nông thôn và bắt đầu hình thành nhiều làng nghề có thế mạnh phù hợp với tiềm năng của địa phương. Đó là các nghề đan mây tre lá xuất khẩu, nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu và chế biến nước mắm. Phát triển nhất là nghề thủ công mỹ nghệ mây tre lá với hàng ngàn lao động nông thôn được đào tạo nghề. Với nghề này, chương trình khuyến công đã đầu tư có định hướng nên đã dần hình thành làng nghề sản xuất mây tre lá xuất khẩu ở xã Hoà Bình (huyện Tây Hoà). Còn tại các làng nghề truyền thống khác như làng nghề chiếu cói Phú Tân (Tuy An), làng đan đát Vinh Ba (Tây Hòa)… bắt đầu phục hồi và phát triển, bên cạnh những sản phẩm truyền thống còn có thêm nhiều sản phẩm mới lạ với nhiều mẫu mã phong phú, đẹp mắt. Bên cạnh tay nghề tiến bộ, người dân làng nghề còn có thu nhập ngày càng cao.
Hoạt động TTCN đã giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động. Giá trị sản xuất TTCN tăng bình quân 15,5%/ năm và chiếm 37,72% trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Sản phẩm TTCN ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và đã bắt đầu vươn ra thị trường bên ngoài.
Ngoài nghề đan mây tre lá xuất khẩu, nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu cũng đã có sự phát triển khá mạnh gắn liền với một số cơ sở chế biến như DNTN Vinh Sâm, DNTN Trang Thủy, Công ty TNHH Giang Nam... cùng với nhiều hộ gia đình ở xã An Chấn (Tuy An) và xã Xuân Hải (Sông Cầu) tham gia sản xuất kinh doanh nên các làng nghề cũng đang dần hình thành. Nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu ở khu vực ven biển đã tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.300- 1.500 lao động nhàn rỗi với mức thu nhập bình quân trên 10.000 đồng/người/ngày. Tuy có sự phát triển khá nhanh, song nhìn chung nghề này chưa tạo được thế ổn định và chủ động trong sản xuất và kinh doanh vì hầu hết các DN và hộ gia đình đầu tư theo quy mô nhỏ, công nghệ chế biến đơn giản thủ công, sản phẩm còn đơn điệu, chưa tham gia xuất khẩu trực tiếp và nguồn nguyên liệu bấp bênh. Riêng nghề chế biến nước mắm đã có sự phát triển mạnh nhất là từ khi các cơ sở sản xuất ở Gành Đỏ, Mỹ Quang, Tiên Châu...chú trọng việc đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì.... nên được nhiều khách hàng đánh giá cao và tiêu thụ rộng rãi trong cả nước.
Các nghề TTCN phát triển nói trên đang có hướng phát triển mạnh về khu vực nông thôn và đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông nhàn, đời sống của người lao động có cải thiện hơn. Chương trình khuyến công đang phấn đấu để đến năm 2010 giải quyết việc làm cho 40.000- 50.000 lao động tham gia vào hoạt động sản xuất công nghiệp và TTCN trong đó lao động ở khu vực nông thôn từ 28.000- 30.000 người.
QUỐC HƯNG