Dịch vụ tiết kiệm bưu điện (TKBĐ) được đưa vào khai thác tại Bưu điện Phú Yên từ năm 1999, nhằm thu hút các khoản tiền nhàn rỗi trong dân để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển theo chủ trương của Chính phủ. Tuy mới ra đời nhưng với lợi thế là hệ thống điểm bưu cục, bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) rộng khắp trên toàn tỉnh, dịch vụ TKBĐ đã tạo nên sự dễ dàng và thuận tiện trong giao dịch cho người gửi tiền và người rút tiền, kể cả ở những địa bàn xa xôi. Đây có thể coi là ưu thế vượt trội tạo nên “hấp lực” mới so với hệ thống các ngân hàng thương mại. Dịch vụ TKBĐ có 3 loại: Tiết kiệm có kỳ hạn áp dụng mức lãi suất 0,62% loại 3 tháng, tiết kiệm không kỳ hạn với lãi suất 0,2%/tháng và tiết kiệm gửi góp (hình thức gửi tiền tiết kiệm cho phép người gửi gửi góp theo định kỳ) lãi suất 0,60% loại 12 tháng. Với mặt bằng lãi suất này, có thể nói dịch vụ TKBĐ đã khuyến khích và tạo điều kiện cho những người dân nghèo có điều kiện gửi tiết kiệm, từ đó huy động được nguồn vốn nhỏ lẻ từ khu vực dân cư. Hàng tháng (không quy định ngày) khách hàng có thể đến các điểm bưu điện gửi góp một lượng tiền nhất định theo thoả thuận trước.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Bưu điện Phú Yên đã mở thêm dịch vụ thanh toán cá nhân qua tài khoản TKBĐ. Đây là giao dịch chuyển tiền giữa hai tài khoản cá nhân trong cùng hệ thống TKBĐ. Khách hàng chỉ mất 30.000 đồng cước duy trì tài khoản là có thể rút tiền, chuyển tiền, gửi tiền một cách nhanh chóng và thuận tiện ở khắp các nơi trong cùng hệ thống TKBĐ trong cả nước. Ngoài ra, với một tài khoản tiết kiệm cá nhân (TKTKCN), khách hàng có thể yêu cầu bưu điện chuyển từ TKTKCN sang tiết kiệm gửi góp mà không phải tốn chi phí cước và các thủ tục rườm rà, chỉ cần gọi điện báo cho nhân viên bưu điện biết.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng Bưu chính - Phát hành báo chí Bưu điện Phú Yên cho biết: “Hiện dịch vụ TKBĐ đã có mặt ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tuy hoạt động trong môi trường cạnh tranh, nhiều ngân hàng nâng mức lãi suất huy động lên cao nhằm thu hút khách hàng, nhưng số tiền huy động được từ loại dịch vụ này hàng năm vẫn tăng cao hơn so với các loại dịch vụ bưu chính khác. Điển hình như năm 2005, huy động từ dịch vụ này là146,4 tỷ đồng, tăng 79% so với năm 2004”. Còn ông Trần Văn Thịnh, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Dịch vụ TKBĐ đã được tin học hoá và nối mạng trên toàn quốc với công nghệ phần mềm hiện đại của Nhật, được đánh giá là dịch vụ tiết kiệm hiện đại, thông minh và có thời gian giao dịch ngắn nhất. Trong tương lai, bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành bưu điện sẽ mở rộng dịch vụ này rộng hơn nữa đến vùng sâu, vùng xa để phục vụ đối tượng dân cư nông thôn và dân nghèo (chủ yếu sử dụng dịch vụ tiết kiệm gửi góp). Ngành bưu điện sẽ tiến hành tin học hoá tất cả hệ thống các bưu cục để thoả mãn nhu cầu về lợi ích của dịch vụ cho các đối tượng và khuyến khích tiết kiệm”.
NGUYỄN QUANG