Thứ Sáu, 03/01/2025 01:12 SA
Du lịch Phú Yên:
Quá trình hình thành và phát triển
Chủ Nhật, 04/07/2010 07:00 SA

Năm 1989, sau khi tái lập tỉnh Phú Yên, trong điều kiện kinh tế tỉnh ta phát triển còn chậm, lại xa các trung tâm kinh tế lớn; giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật trong tỉnh còn hạn chế nên việc xây dựng, phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn.

 

mui-dien100702.jpg

Du khách đến Mũi Điện - Ảnh: H.NGỌC

 

Từ thực trạng đó, năm 1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XI) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Ngành du lịch đến năm 2000, trong đó “coi ngành du lịch là một ngành kinh tế quan trọng đối với Phú Yên, phát triển du lịch là một hướng chuyển dịch trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà” và đã đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển du lịch 5 năm (1996-2000).

 

Đến năm 2001, Tỉnh ủy (Khóa XIII) tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển ngành du lịch Phú Yên đến năm 2005 và định hướng 2010 với mục tiêu: Đổi mới và phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, phục vụ để xây dựng ngành du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.

 

Năm 2007, Tỉnh ủy (Khóa XIV) đã tổ chức đánh giá tình hình phát triển du lịch giai đoạn 2001-2006 và định hướng phát triển ngành du lịch Phú Yên đến 2010. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 1996-2010, quy hoạch chi tiết 3 cụm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến 2020, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các dự án đầu tư cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ những chủ trương, định hướng trên đã tạo một bước chuyển mới trong nhận thức và hành động, làm cơ sở để thu hút các dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn.

 

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch đã được Trung ương và tỉnh quan tâm, đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không đang dần được hoàn thiện, tuyến đường quốc lộ 1D chạy dọc biển nối với TP Quy Nhơn, quốc lộ 25 nối với tỉnh Gia Lai, liên tỉnh lộ ĐT 645 nối với tỉnh Đắk Lắk, tuyến đường động lực ven biển từ TP Tuy Hòa đến Vũng Rô, từ TP Tuy Hòa đến gành Đá Đĩa; khôi phục tuyến bay Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh 7 chuyến/tuần, khai thác tuyến bay Tuy Hòa - Hà Nội 5 chuyến/tuần… Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quảng bá về hình ảnh Phú Yên nói chung về tiềm năng, cơ hội đầu tư phát triển du lịch của tỉnh nói riêng trong nước và ngoài tỉnh; Tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong và ngoài tỉnh để xúc tiến đầu tư. Đến nay, một số dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Khách sạn Cendeluxe, Khách sạn KaYa, Khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, Khách sạn Long Beach, Khu du lịch Hòn ngọc Bãi Tràm, Khu du lịch sinh thái Sao Việt, Khu nghỉ dưỡng Golden Beach Thuận Thảo (theo tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao).

 

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch không ngừng tăng lên. Năm 1990, toàn tỉnh có 13 khách sạn, nhà nghỉ gồm 256 phòng, 540 giường. Đến năm 2010, có trên 70 cơ sở lưu trú du lịch; trên 10 khu, điểm du lịch vui chơi giải trí; có 1 khách sạn 5 sao, 5 khách sạn 2 sao; có 4 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang đề nghị công nhận 3 đến 5 sao; có trên 1.500 buồng lưu trú với 2.500 giường, trong đó có 678 buồng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên…;

 

Lượng khách do các cơ sở lưu trú du lịch Phú Yên đã tiếp đón ngày càng tăng: Giai đoạn 1996-2000: lượt khách tăng bình quân 2,1%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 0,3%/năm, số buồng lưu trú tăng 4,9%/năm. Giai đoạn 2001-2005: lượt khách tăng bình quân 18,1%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 20%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng 21%/năm, số buồng lưu trú tăng 16,4%/năm. Giai đoạn 2006-2010: lượt khách tăng bình quân 31%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 34%/năm; tổng doanh thu du lịch tăng 64%/năm, số buồng lưu trú tăng 30,1%/năm.

 

Nguồn nhân lực du lịch không ngừng tăng lên cả về chất lượng và số lượng. Đến cuối năm 2009, tổng số lao động trong ngành du lịch khoảng 2.000 người, tăng gấp 6 lần so ới năm 2005.

 

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tổ chức Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề: “Thiên đường du lịch biển, đảo” do tỉnh Phú Yên chủ trì đăng cai tổ chức nhân kỷ niệm Phú Yên 400 năm (1611-2011). Đây là cơ hội để giới thiệu những nét đặc trưng bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch biển, đảo, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Ngành Du lịch Phú Yên đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn để bứt phá đi lên sau năm 2011.

 

Để chuẩn bị cho 2 sự kiện trọng đại này, thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Du lịch đã cùng với tỉnh Phú Yên tập trung xây dựng chương trình tổng thể tổ chức Năm Du lịch, kế hoạch chi tiết, kịch bản cho các hoạt động năm 2011. Song song đó, tỉnh Phú Yên đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các công trình thể thao, hạ tầng du lịch để đưa vào phục vụ trong năm 2011, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến Phú Yên trong thời gian đến. Một số hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã được tổ chức với quy mô lớn trong thời gian qua đã được dư luận đồng tình và đánh giá cao. Đây sẽ là tiền đề để chúng ta chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Phú Yên 400 năm và Năm Du lịch Quốc gia 2011.

 

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành Du lịch Phú Yên, chúng ta phải khẳng định rằng, có được thành quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát kịp thời của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Tổng cục Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các địa phương; công lao xây dựng và đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo sở, cán bộ công chức các phòng, ban Sở Thương mại và Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch; sự quan tâm góp ý, đóng góp ý tưởng, giải pháp của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, những nhà quản lý, nhà nghiên cứu có nhiều tâm huyết, trăn trở với sự phát triển của ngành du lịch Phú Yên.

 

Trong quá trình phát triển của ngành du lịch Phú Yên, một thành phần có sự đóng góp rất lớn đó là các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vận chuyển khách… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều tập thể, cá nhân đã được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển du lịch; bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp đang tập trung đầu tư, từng bước khẳng định vị trí của mình, thương hiệu của mình trong lĩnh vực du lịch. Hy vọng với sự năng động, nhạy bén các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngành Du lịch Phú Yên sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian đến và cơ hội trước mắt là sự kiện Phú Yên đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011.

 

TRẦN QUANG NHẤT

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek