Chủ Nhật, 05/01/2025 08:47 SA
Nhờ mưa giải hạn, cây trồng hồi sinh
Thứ Sáu, 02/07/2010 07:30 SA

Sau một thời gian dài nắng nóng, mấy ngày qua, nông dân hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh hồ hởi ra đồng trồng mới, trồng lại mía, sắn trên những diện tích bị thiệt hại. Đó là nhờ những cơn mưa giải hạn, bà con gọi là “mưa vàng”.

 

TV2-100702.jpg

Nông dân xã Sơn Hà (Sơn Hòa) xuống giống sau mưa – Ảnh: P.N

 

Niên vụ 2009 – 2010, huyện Sơn Hòa có hơn 8.500 ha mía và 1.200 ha sắn. Nắng nóng kéo dài khiến diện tích mía bị thiệt hại hơn 10%. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa cho biết: “Huyện đã vận động bà con tận dụng tối đa các nguồn nước cứu cây trồng, song cũng chỉ ở mức cầm cự. Mấy ngày qua, trên địa bàn có mưa lớn trải đều trên diện rộng, nông dân phấn khởi. Có thể nói đây là những cơn “mưa vàng” đem lại  niềm vui lớn cho nông dân sau những ngày khô hạn. Mưa lớn đã “cứu sống” khoảng hơn 2.000 ha mía và hàng trăm ha lúa, chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, ước làm lợi cho bà con hàng tỉ đồng”.

 

Cũng theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Sơn Hòa, địa phương này đã trồng mới và trồng lại được hơn 1.500 ha mía, đạt gần 95% so với tổng diện tích cùng kỳ. Diện tích cây sắn đạt gần 67% và lúa nước đạt 104% so với năm 2009. Nhờ có mưa, đất ngậm nước, mía phát triển khá tốt. Ông Bùi Văn Ngũ ở thôn Mặt Hàn, xã Sơn Hà có 5 ha mía, nắng hạn đã làm khoảng 40% diện tích đứng trước nguy cơ chết, nhưng trời mưa đã cứu số mía này. Ông Ngũ phấn khởi: “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, cả nhà tui ra đồng trồng mía, sắn. Những diện tích mía bị thiệt hại nhẹ thì trồng bổ sung và tăng cường bón phân, còn nặng thì phá bỏ trồng sắn”. Bùi Văn Kiệt, con ông Ngũ, nói: “Mưa xuống, thấy cha mẹ mừng, em cũng thấy vui lây. Nhỏ không làm được việc nặng, chỉ thả hom sắn trên những đường cày rồi lấp lại”.

 

Theo nhiều người dân, những cơn mưa vừa qua thấm đất khoảng 50 – 70 cm. Nhờ vậy, những chân ruộng mía giống không đạt chất lượng do nắng hạn tỉ lệ nảy mầm đạt khá cao. Chỉ cần tăng lượng phân bón là  mía có thể phát triển không thua gì so với giống tốt. Ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Phú Hữu, xã Suối Bạc, bộc bạch: “Tôi có 8 sào đất nhưng chỉ trồng được khoảng 80% diện tích vì thiếu giống. Chất lượng giống không bằng vụ trước, nhưng nhờ  có mưa nên cũng đỡ. Hầu như hom nào cũng nảy mầm. Tôi phải tăng lượng phân bón lên 0,5% trên cùng một diện tích so với bình thường, hy vọng mía sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao”.

 

Xã Suối Bạc có hơn 1.000 ha mía, đợt nắng hạn vừa qua đã làm thiệt hại 20% diện tích. Ông Phan Thế Lựu, Chủ tịch UBND xã Suối Bạc, cho biết: “Xã khuyến khích bà con tận dụng nguồn giống, tranh thủ trồng dặm trên những diện tích bị thiệt hại”.

 

Cũng như Sơn Hòa, những ngày này, ở huyện Sông Hinh, đông đảo người dân ra đồng hòa chung với màu xanh đang dần được hồi sinh của mía và sắn. Toàn huyện Sông Hinh đã xuống giống được gần 11.500 ha cây trồng các loại, đạt gần 117% so với cùng kỳ. Trong đó, mía hơn 3.000 ha. Địa phương này đang tích cực vận động bà con làm cỏ, bón phân các loại cây trồng đã xuống giống sớm, đồng thời, trồng hết số diện tích mía giống dự trữ cho kịp thời vụ, chủ động phòng chống dịch bệnh để  không ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cây trồng. Trong khi đó, tại huyện Đồng Xuân, những ngày qua tuy đã có mưa nhưng không đáng kể, nhiều cánh đồng ở xã Xuân Quang 3 vẫn đang trong tình trạng thiếu nước tưới. Cánh đồng Núi Một rộng 45ha gốc rạ phơi lởm chởm. Ông Nguyễn Cư ở thôn Thạnh Đức nhìn ruộng khô khốc, thở dài: “Nắng hạn gay gắt, ruộng đồng bỏ hoang, chắc chắn phải đi mua gạo để ăn”. Vụ hè thu năm nay các cánh đồng thuộc thôn Phước Nhuận, Thạnh Đức (Xuân Quang 3) nằm ngoài kế hoạch tưới của hồ chứa nước Phú Xuân vì mực nước tại cao trình của hồ xuống thấp. Chính vì vậy, gần 25ha cánh đồng Bờ Đổ thuộc thôn Phước Nhuận mấy tháng nay không có nước tưới. Nông dân cũng đã đề xuất hợp tác xã tìm biện pháp đưa đồng ruộng vào sản xuất. Ông Trịnh Kỳ Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Nhuận cho biết, hợp tác xã đã tổ chức họp huy động lực lượng đắp đập ngăn sông Trà Bương, bơm nước đưa vào đồng ruộng sản xuất lúa. Chi phí tưới cho 1.000 m2 lúa đến 400.000 đồng.

 

Ông Nguyễn Như Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết: Nắng hạn kéo dài, mực nước tại các hồ chứa xuống thấp nên diện tích đưa vào sản xuất lúa hè thu của tỉnh chỉ 23.500ha. Số diện tích không sản xuất lúa được chuyển sang cây trồng cạn. Tuy nhiên, một số vùng nông dân vẫn không thể chuyển đổi cây trồng vì không có nguồn nước.

 

PHƯƠNG NAM - HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek