Đúng như dự đoán của các chuyên gia Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng 5 và tăng 8,69% so với tháng 6/2009.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Với việc tăng nhẹ trong tháng 6, CPI sáu tháng qua đã tăng 4,78% so với tháng 12/2009 và tăng 8,75% so với cùng kỳ 2009.
CPI tháng 6 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,01-0,62%. Bật lên dẫn đầu về mức tăng là nhóm hàng đồ uống và thuốc lá với mức tăng 0,62%; tiếp đến là nhóm bưu chính viễn thông với mức tăng 0,49%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,46%.
Đặc biệt, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đang từ vị trí dẫn đầu về mức tăng trong tháng 5 đã đột ngột rơi xuống vị trí tăng thấp nhất do giá thép, giá nhà và giá vật liệu xây dựng giảm mạnh.
Mặc dù các nhóm hàng hóa chỉ tăng nhẹ nhưng trong tháng 6 này, hai nhóm hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông đã quay đầu tăng nhẹ sau nhiều tháng liên tiếp giảm rõ rệt. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,37%, nhưng lương thực vẫn giảm tới 0,83%.
Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ CPI tháng 6 chỉ tăng nhẹ là do giá lương thực vẫn tiếp tục giảm hỗ trợ CPI tiếp tục giảm tốc. Bên cạnh đó, giá nhiều nhóm hàng hóa thiết yếu khác trên thị trường như xăng dầu, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, thực phẩm giảm hoặc chỉ tăng nhẹ đã góp phần “kéo” CPI tăng chậm lại. Đây là những tín hiệu tốt giúp CPI tháng 7 sẽ không có đột biến.
Trong tháng 6, giá vàng đã tăng 3,09% so với tháng 5 do có những thông tin phức tạp về tình hình kinh tế Mỹ và và các nước EU khiến nhu cầu dự trữ vàng tăng lên; đưa giá vàng 6 tháng qua tăng 0,3% so với 12/2009 và tăng 39,03% so với cùng kỳ 2009.
Trái chiều với vàng, giá USD trên thị trường tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5, đưa giá USD 6 tháng qua chỉ tăng 0,41% so với tháng 12/2009 và tăng 7,67% so với cùng kỳ 2009.
Tổng cục Thống kê nhận định, nếu CPI các tháng tiếp theo giữ được ở mức tăng bình quân 0,5%/tháng thì CPI cả năm sẽ có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, với diễn biến tăng giá tiêu dùng trong 6 tháng qua, vấn đề cần quan tâm nhất là Chính phủ tiếp tục có các giải pháp điều hành linh hoạt, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn về vốn, giúp doanh nghiệp tăng tốc sản xuất và đầu tư nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra. Bởi năm 2010, chỉ cần kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số cũng đã là thành công lớn của Việt
Theo TTXVN