Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Phú Yên đầu tư kinh phí sản xuất lúa theo mô hình giống nông hộ, “1 phải, 5 giảm” nhằm tạo ra bộ giống tốt, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa hàng hóa vẫn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Phú Hòa - Ảnh: H.
Để nâng cao chất lượng hạt giống, vụ hè thu 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư 140 triệu đồng để sản xuất 50 ha lúa theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”. 5 xã được chọn làm vùng chuyên canh gồm: Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân); Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) và thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), mỗi xã được đầu tư mô hình có 60 hộ nông dân tham gia. Bên cạnh đó, mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm phân bón, thuốc trừ sâu, nước, giống và giảm thất thoát sau thu hoạch) cũng được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đầu tư với quy mô 13 ha tại các xã An Nghiệp (huyện Tuy An), Hòa Hội (huyện Phú Hòa), Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa). Ngoài ra, vụ hè thu này, trung tâm còn sản xuất lúa theo mô hình giống nông hộ, triển khai tại 3 điểm gồm xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) và xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa). Ông Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cho biết, để chương trình đạt kết quả cao, nông dân ở các địa phương đều được tập huấn kỹ thuật; các hợp tác xã phải chuẩn bị giống, quy hoạch vùng chuyên canh…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, hiện giống chất lượng cao chỉ mới sản xuất đáp ứng được khoảng 30% diện tích. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp Phú Yên, việc tổ chức sản xuất lúa chất lượng cao ở Phú Yên chủ yếu theo gia đình, quy mô nhỏ, chưa áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên sản phẩm làm ra chưa đồng nhất, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Các hợp tác xã nông nghiệp ở Phú Hòa được Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện chọn đầu tư mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận nhưng cũng chỉ sản xuất manh mún, một số hợp tác xã không muốn tham gia vì phải bỏ ra một khoản kinh phí, trong khi kinh phí của đơn vị đang hạn hẹp. Chính vì thế, mô hình chưa thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Ông Phan Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa phân tích, tổng kết 4 năm triển khai thực hiện chương trình giống cây trồng, vật nuôi, giống lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2006-2010, theo số liệu của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên từ đầu năm 2006 đến nay, kinh phí hằng năm phục vụ cho chương trình này khoảng 70 triệu đồng. Con số này quá ít.
Ông Khánh băn khoăn: “Khâu giống hiện đang gặp khó khăn. Các huyện, thành phố cần giống tốt, đi mua ở các trung tâm giống thì giá cao, có khi liên hệ trễ thì không có giống mua.
Mặt khác, theo tập quán, nông dân chỉ chú trọng năng suất mà “quên” đi chất lượng lúa hàng hóa. Thương lái cũng chưa quan tâm tới vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) nói: “Vừa qua tôi thử trồng giống lúa thơm nhưng sau khi thu hoạch, bán thì giá vẫn như nhau, thương lái chỉ phân biệt lúa hạt tròn, hạt dài giá cả chênh lệch chút đỉnh chứ không phân biệt rạch ròi lúa chất lượng cao và lúa bình thường”.
Ông Nguyễn Hữu Pháp, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tây Hòa cho biết, để đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa, nhà nước cần đầu tư kinh phí, cung cấp thông tin, dự báo thị trường xuất khẩu lúa gạo, đầu tư xây dựng công trình kỹ thuật để hỗ trợ cho sản xuất lúa hàng hóa, trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy lợi, thiết bị nông nghiệp, nhà xưởng bảo quản, chế biến, vận chuyển… Vấn đề này không chỉ nâng cao giá trị lúa gạo, đem lại lợi ích cho hộ nông dân mà còn tạo thương hiệu hạt gạo của tỉnh Phú Yên.
MẠNH HOÀI