Nghề nuôi ếch mới phát triển mạnh ở các vùng nông thôn Phú Yên trong năm 2005. Đa số bà con chọn giống ếch Thái Lan có năng suất và giá trị kinh tế cao để thả nuôi. Tuy nhiên, vài tháng qua, nhiều nông dân đã lỗ vốn nặng, thậm chí “cháy túi” vì giống ếch này.
NUÔI CÀNG NHIỀU, LỖ CÀNG LỚN
Anh Nguyễn Phúc Nguyên, Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) là người tiên phong nuôi ếch giống Thái Lan. Sau khi tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nuôi và thị trường tiêu thụ ếch, anh Nguyên đầu tư gần 1 triệu đồng mua 500 con giống ếch Thái Lan từ các đại lý bán giống thủy sản trong huyện. “Tôi tìm tòi nuôi ếch với mong muốn đạt kết quả cao để làm mô hình điểm cho thanh niên trong xã tham quan, học tập rồi nhân rộng, nhằm góp phần phát triển nghề mới với thu nhập kinh tế cao. Nhưng thực tế đến nay, sau gần 3 tháng nuôi, con ếch phát triển không bình thường, bị thần kinh, mù mắt, bỏ ăn, với tỷ lệ chết, hao hụt cao đến gần 70%. Tôi dự tính ngưng hẳn nuôi ếch, chứ kéo dài nuôi thêm sẽ bị lỗ nặng”. Theo ông Nguyễn Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa: Hiện toàn xã này có khoảng 10 hộ nuôi ếch Thái Lan. Qua theo dõi ban đầu, hầu hết các hộ nuôi bị thiệt hại, do tỷ lệ hao hụt lớn, ếch lớn không đồng đều, xuất hiện nhiều loại bệnh.
Ếch giống Thái Lan - Ảnh: Lưu Phong
Theo phản ánh của Phòng NN và PTNT ở các huyện đồng bằng, hiện có hàng chục hộ nuôi ếch Thái Lan, nhưng chỉ có một vài hộ nuôi huề vốn, còn lại đều bị lỗ nặng, một số hộ trắng tay. Tại xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, nhiều người dân nuôi ếch giống Thái Lan (do Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên du nhập và chuyển giao) cũng kêu trời vì ếch chết hàng loạt. Hộ ông Nguyễn Bảo Tùng, ở thôn 5 mua 3.000 con thả nuôi hơn 4 tháng nay hiện chỉ còn 200 con. Ông Tùng bộc bạch: “Tui phát triển nuôi ếch để cải thiện đời sống gia đình, nhưng bây giờ thì lỗ nặng trên 6 triệu đồng tiền giống và thức ăn, chưa kể đầu tư chuồng trại”. Hộ ông Nguyễn Thanh Quyến cũng ở thôn 5 nuôi 5.000 con ếch Thái Lan cũng bị chết sạch, thiệt hại gần 20 triệu đồng…
Không chỉ có vậy, một số hộ nuôi ếch Thái còn đang đau đầu vì nuôi ếch đã khó, số còn sống được lại bán không xong vì giá cả quá thấp, nhu cầu tiêu thụ cũng không cao.
DÂN CHƯA NẮM VỮNG KỸ THUẬT NUÔI
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm cho ếch giống Thái Lan chết hàng loạt. Trước hết là do các đơn vị cung ứng giống đã mua gom giống ở nhiều nơi, chưa qua kiểm dịch nên phần lớn nhầm giống kém chất lượng. Theo ông Tùng, ếch giống do Trung tâm Giống và KTTS tỉnh du nhập từ miền
Nguyên nhân chủ quan chính là do ai cũng bảo ếch dễ nuôi, đầu tư thấp, lãi cao, nên ồ ạt nuôi mà chưa nắm vững đặc tính sinh trưởng, cũng như kỹ thuật nuôi ếch. Hệ quả là khi ếch bị các bệnh phổ biến như triệu chứng mù mắt, quẹo cổ, lở loét, đỏ chân… thì không biết cách chữa trị. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chưa tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ếch cho dân. Khi hỏi về kỹ thuật chăm sóc, thức ăn, kỹ thuật xây hồ nuôi ếch cho thích hợp… thì đa số người nuôi trả lời rất mơ hồ, theo kiểu chỉ nghe hướng dẫn sơ sài bằng miệng từ các ông chủ đại lý cung ứng giống ếch trong tỉnh!…
Hướng giải quyết hiệu quả cho tình trạng này hiện nay là các ngành chức năng cần nghiên cứu sản xuất đại trà nguồn giống ếch có chất lượng đảm bảo cung ứng đủ cho dân, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi một cách có hiệu quả nhất.
NGUYÊN LƯU