Thời gian qua, kinh tế HTX gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và ổn định sản xuất. Song với sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự năng động, sáng tạo của ban chủ nhiệm, nhiều HTX điển hình tiên tiến đã xuất hiện. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngày một phát triển vẫn cần sự chung tay góp sức từ nhiều phía.
Sản xuất chổi đót tại HTX Hòa Thắng 2 (Phú Hòa) - Ảnh: P.HÙNG |
Trong giai đoạn 1996 - 2006, có đến 60% trên tổng số hơn 200 HTX hoạt động bấp bênh, cầm chừng, nhiều khả năng phải giải thể. Nhờ có những thay đổi tích cực nên chỉ qua 5 năm (2005 - 2009), các HTX ở Phú Yên cơ bản đã có những bước phát triển vững chắc, đã khắc phục được tình trạng thua lỗ, bảo tồn được nguồn vốn và kinh doanh có lãi. Năm 2009, vốn kinh doanh của các HTX gần 253 tỉ đồng, tăng 20,95% so với năm 2005; doanh thu đạt gần 212 tỉ đồng, tăng gần 30% so với năm 2005. Quan trọng hơn, sự phát triển của các HTX đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 162.000 người lao động với thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/năm.
Nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có vài ba HTX làm ăn có lãi thì đến năm 2009, con số này đã tăng lên nhiều chục lần, trong đó có không ít HTX đã phát triển vượt bậc trong vài ba năm trở lại đây như HTX Hòa Thắng 1, 2; HTX Phường 9, HTX Hòa Mỹ Đông, HTX Hòa Tân Đông, HTX Xuân Sơn Nam, HTX Hòa Hiệp Nam, HTX Song A, HTX Phú Thọ 3…
Từ năm 2005 - 2010, đã có 14 đơn vị HTX được Liên minh HTX Việt
Theo ông Bùi Văn Sang, Chủ nhiệm HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam, điều mà các HTX cần nhận được nhiều hơn nữa là những chính sách ưu đãi trong phát triển sản xuất, và các HTX có thể dễ dàng tiếp cận một cách nhanh nhất. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không ít HTX, hộ xã viên vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin các cơ chế chính sách về đất đai, vay vốn ưu đãi… Chính vì vậy, các HTX này chịu thiệt thòi trong việc định hướng phát triển sản xuất.
Ngoài ra, đa số HTX trên địa bàn tỉnh đều có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhà nước cũng có các kênh dành riêng cho HTX với vốn vay lớn, lãi suất thấp. Tuy nhiên, do nhiều HTX không có nhiều tài sản giá trị để thế chấp nên số lượng HTX tiếp cận được các gói vay ưu đãi này rất ít. Một xu hướng hiện nay là thành lập các quỹ hỗ trợ HTX nhằm đáp ứng một phần nhu cầu về vốn cho HTX để phát triển sản xuất kinh doanh. Song, do gặp khó khăn trong huy động vốn và sự thiếu thống nhất giữa các bên nên kế hoạch này vẫn chưa thể hiện thực hóa. Các HTX khát vốn phải tìm nguồn vay từ bên ngoài với lãi suất cao, dẫn đến những rủi ro khôn lường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số HTX buộc phải ngưng hoạt động và tiến tới giải thể.
Mặt khác, để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, việc liên kết các HTX với nhau để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất… luôn được đặt lên hàng đầu. Các HTX ở cùng một địa phương luôn có nhiều điểm tương đồng về địa lý, con người và cả ngành hàng sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc liên kết các HTX này lại thành một liên hiệp HTX ở địa phương ấy sẽ tạo ra nguồn lực tổng hợp, giúp cho từng HTX có thể giải quyết những khó khăn của chính mình. Tuy nhiên, cho đến nay, toàn tỉnh vẫn chưa thể thành lập được một liên hiệp HTX nào.
Một thực tế nữa là phong trào thi đua ở một số HTX còn thiếu chiều sâu, công tác chỉ đạo chưa thường xuyên liên tục, thiếu đồng bộ; nội dung mục tiêu, chỉ tiêu thi đua còn chung chung, chưa sát với nhiệm vụ. Số HTX hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thường say mê với việc sản xuất kinh doanh, thiếu quan tâm đến việc khen thưởng, hoặc quỹ khen thưởng không nhiều nên không có tác dụng động viên, kích thích tinh thần say mê làm việc, cống hiến của xã viên và người lao động. Trên đây là một số trở ngại đã và đang ảnh hưởng đến các HTX. Một khi giải quyết xong những điều trên, chắc chắn kinh tế tập thể sẽ ngày càng phát triển.
XUÂN HUY