Thứ Bảy, 18/01/2025 05:58 SA
Sở hữu nhà nước và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN
Thứ Hai, 19/04/2010 11:00 SA

1. Sở hữu nhà nước ở nước ta hiện nay

 

dien100419.jpg

Công nhân Điện lực Tây Hòa sửa chữa lưới điện –Ảnh: M.NGUYỆT

Kinh tế nhà nước dựa trên sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất, về vốn. Ở nước ta hiện nay sở hữu nhà nước được hiểu là sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện. Sở hữu nhà nước là trình độ thấp hơn của sở hữu toàn dân. Sở hữu toàn dân theo đúng nghĩa của nó chỉ xuất hiện, tồn tại và phát triển khi lực lượng sản xuất xã hội đạt đến trình độ xã hội hóa rất cao trong giai đoạn cộng sản chủ nghĩa. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH và trong giai đoạn XHCN chỉ mới có sở hữu nhà nước. Nhà nước đại diện cho toàn dân sở hữu những tài nguyên thiên nhiên của cải, tài sản, tư liệu sản xuất, vốn của  chung của toàn dân, của toàn xã hội. Nhà nước không những sở hữu mà còn nhân danh toàn dân, toàn xã hội tổ chức quản lý, sử dụng và phân phối những sản phẩm được tạo ra từ những tài sản, vốn đó. Nhưng muốn thực hiện được điều đó phải thực hiện được lợi ích kinh tế của sở hữu nhà nước. Nếu không có lợi ích kinh tế thì sở hữu nhà nước chỉ là danh nghĩa. Điều đó đòi hỏi phải có cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền sở hữu của Nhà nước đối với những tài nguyên, tài sản, tư liệu sản xuất, vốn chung của toàn dân, toàn xã hội với quyền sử dụng chúng của các doanh nghiệp được giao quyền sử dụng và việc phân phối sản phẩm, giá trị mới được tạo ra nhờ những tài nguyên, tài sản, tư liệu sản xuất vốn thuộc sở hữu nhà nước giao cho các doanh nghiệp sử dụng. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ chế ấy phải chăng là tỉ lệ phân chia sản phẩm, giá trị mới đó giữa Nhà nước và doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp nộp thuế cho Nhà nước. Chỉ có thu được một phần lợi nhuận dưới hình thức thuế theo một tỉ lệ thích hợp từ các doanh nghiệp được giao quyền sử dụng những tài sản, vốn chung của toàn xã hội, thì mới thực hiện được lợi ích kinh tế của sở hữu nhà nước. Đồng thời, doanh nghiệp mới có động lực để phấn đấu sản xuất – kinh doanh có hiệu quả nhằm thu được lợi nhuận cao hơn phần thuế phải nộp cho Nhà nước, thì doanh nghiệp mới có thu nhập. Phần lợi nhuận cao hơn ấy càng lớn thì thu nhập của doanh nghiệp càng cao.

 

2. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

 

Đảng ta chủ trương phát triển và nâng cao hiệu quả của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.

 

Tính chất nhiều thành phần kinh tế là nét đặc trưng có tính quy luật của nền kinh tế quá độ lên CNXH ở nước ta. Các thành phần kinh tế trong nền kinh tế quá độ luôn luôn vận động, phát triển trong mối quan hệ, tác động qua lại, đan xen trong cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất, trên cơ sở vừa hợp tác, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và bình đẳng trước pháp luật. Trong quá trình vận động, phát triển các thành phần kinh tế phải được cải biến dựa vào những tiền đề khách quan:

 

Thứ nhất, xuất phát từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất xã hội và yêu cầu xã hội hóa sản xuất trên thực tế;

 

Thứ hai, xuất phát từ đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề mà xác định tỉ trọng, quy mô, cơ cấu các thành phần kinh tế cho phù hợp.

 

Thứ ba, xuất phát từ khả năng tổ chức và quản lý kinh tế của Nhà nước XHCN và đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế.

 

Vấn đề không phải là xóa bỏ hay ưu tiên thành phần kinh tế này hay thành phần kinh tế khác, mà điều quan trọng là phải nắm vững bản chất của từng thành phần và sử dụng chúng đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Mỗi thành phần kinh tế có bản chất và những quy luật kinh tế hoạt động riêng, dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất tương ứng. Khả năng tái sản xuất là điều kiện tồn tại và vận động của mỗi thành phần kinh tế. Chính xu hướng mở rộng hay thu hẹp khả năng tái sản xuất chỉ rõ vai trò và triển vọng của mỗi thành phần kinh tế trong nền sản xuất xã hội.

 

Tuy nhiên, các thành phần kinh tế không tồn tại một cách biệt lập, mà có mối quan hệ và tác động qua lại, đan xen. Để đảm bảo nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, trong quá trình vận động vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, thành phần kinh tế nhà nước phải tự vươn lên, làm sao để cùng với kinh tế tập thể dần dần trở thành nền tảng cho chế độ XHCN.

 

Kinh tế nhà nước bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các sở hữu nhà nước như đất đai, ngân sách, lực lượng dự trữ, kể cả một phần vốn của Nhà nước đưa vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghĩa là, hệ thống kinh tế nhà nước gồm hai bộ phận cấu thành: doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước phi doanh nghiệp (đất đai, ngân sách quốc gia, các quỹ quốc gia). “Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội do Nhà nước giao” (1). Doanh nghiệp nhà nước có hai loại: loại hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, và loại hoạt động công ích không vì mục tiêu lợi nhuận. Ngoài ra, còn có loại nằm giữa hai loại trên như những tổ chức kinh tế đang quản lý, duy tu, bảo dưỡng cơ sở kinh tế hạ tầng (cầu, đường, sân bay, bến cảng). Loại này có xu hướng chuyển hóa từng phần sang loại trên.

 

Kinh tế nhà nước cần và có thể giữ vai trò chủ đạo vì những lý do sau đây:

 

Thứ nhất, kinh tế nhà nước dựa trên chế độ công hữu (sở hữu nhà nước) về tư liệu sản xuất, là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất. Ở đây, cần phân biệt hình thức sở hữu và chủ sở hữu. Nhà nước – đại diện cho toàn dân – là chủ sở hữu công cộng của toàn dân.

 

Thứ hai, kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng đã định.

 

Thứ ba, kinh tế nhà nước là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; là lực lượng có khả năng can thiệp, điều tiết, hướng dẫn giúp đỡ và liên kết, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

 

Thứ tư, kinh tế nhà nước có thể tác động tới các thành phần kinh tế khác không chỉ bằng các công cụ và đòn bẩy kinh tế, mà còn bằng con đường gián tiếp, thông qua những thiết chế và hoạt động của kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa.

 

Thứ năm, kinh tế nhà nước dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại, tiên tiến; do đó nó có nhịp độ phát triển nhanh, đóng góp phần lớn cho ngân sách nhà nước, và tự tích tụ để có thể không ngừng tái sản xuất mở rộng.

 

Thứ sáu, kinh tế nhà nước là lực lượng nòng cốt hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới; là lực lượng có khả năng đầu tư vào những lĩnh vực có vị trí quan trọng sống còn nhưng ít ai dám đầu tư vì đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi vốn lại chậm.

 

Để thành phần kinh tế nhà nước có thể thực hiện vai trò chủ đạo, chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, cần áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có một số biện pháp chủ yếu sau đây:

 

Một là, tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước trong những ngành, những lĩnh vực trọng yếu mà các thành phần kinh tế khác không có đủ điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh như: kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; những cơ sở sản xuất thương mại, dịch vụ quan trọng; một số doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ có quan hệ đến quốc phòng, an ninh. Nhà nước chỉ nên nắm một số không nhiều “những đài chỉ huy” trong nền kinh tế, tức là những vị trí kinh tế then chốt, yết hầu, thông qua đó mà điều tiết, chi phối, hướng dẫn hoạt động của các thành phần kinh tế khác, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo hướng XHCN.

 

Hai là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền sở hữu và sử dụng tư liệu sản xuất của toàn dân bằng cách lựa chọn các hình thức kinh tế phù hợp.

 

Ba là, đổi mới, dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và phát huy ưu thế về kỹ thuật tiến bộ nhất; liên kết, liên doanh với các thành phần kinh tế khác nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả kinh tế – xã hội.

 

Bốn là, thực hiện từng bước vững chắc việc cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần thuộc sở hữu nhà nước phải là cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt. Để được cổ phần chi phối, Nhà nước phải nắm trên nửa số cổ phần của doanh nghiệp, hoặc cổ phần của Nhà nước ít nhất cũng phải gấp đôi số cổ phần của cổ đông lớn nhất khác trong doanh nghiệp. Cổ phần đặc biệt là cổ phần có quyền quyết định một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp theo thỏa thuận trong Điều lệ doanh nghiệp. Để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, Nhà nước có thể bán cổ phần cho cán bộ, công nhân viên chức trong doanh nghiệp; có thể vừa bán cho lao động trong doanh nghiệp vừa bán cho tổ chức và cá nhân ngoài doanh nghiệp; cũng có thể giữ nguyên tài sản của Nhà nước, chỉ phát hành một số cổ phiếu để tăng vốn cho cơ sở sản xuất đã có hay cho phân xưởng mới thành lập; hoặc cũng có thể gọi cổ phần ngay từ đầu khi mới thành lập.

 

Năm là, tiếp tục sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với yêu cầu sản xuất – kinh doanh trong điều kiện mới. Phương hướng chủ yếu hiện nay là thành lập một số tổng công ty, tập đoàn kinh doanh lớn có uy tín, có tầm vóc quốc gia và quốc tế; tạo thế và lực để phát triển, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong quan hệ kinh tế với nước ngoài.

 

Đối với những doanh nghiệp xét thấy không cần thiết hoặc thua lỗ kéo dài, không có khả năng vươn lên, thì chuyển sang hình thức sở hữu khác, cho thuê, bán khoán hoặc giải thể.

 

Chủ trương sắp xếp, tổ chức đăng ký và thành lập lại doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trong phát triển doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế cũ. Chủ trương này là bước tiến mới trong quá trình thể chế hóa công tác quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp nhà nước, và thực tế nó đã thu được một số kết quả đáng kể.

 

Ở đây, cần chống hai khuynh hướng sai lầm: hoặc coi nhẹ doanh nghiệp nhà nước, muốn tư nhân hóa tràn lan; hoặc bảo thủ, muốn duy trì toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, không muốn tổ chức sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Việc giảm bớt số lượng doanh nghiệp nhà nước không có nghĩa là giảm sức mạnh kinh tế của nó. Giải thể những doanh nghiệp nhà nước không cần thiết để tập trung cho những doanh nghiệp thực sự cần thiết cho quốc tế dân sinh, điều đó nhất định sẽ giúp nâng cao vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước trên nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội, làm cho kinh tế nhà nước thật sự là chủ đạo, là lực lượng nòng cốt bảo đảm cân đối vĩ mô, tạo điều kiện ổn định kinh tế – xã hội trong quá trình đổi mới. Thực tế những năm qua ở nước ta đã cho thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm, nhưng phần đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngày càng căng.

 

Sáu là, để nâng cao tính hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước xứng đáng là bộ khung trong hệ thống các doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, cần phải nâng cao tính hạch toán, tính chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của giám đốc và tập thể người lao động. Để cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cần phải đánh giá toàn diện khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Đối với những trường hợp lợi nhuận cao là do sự độc quyền của doanh nghiệp, do chính sách kinh tế ưu đãi của Nhà nước, thì dứt khoát phải có sự điều tiết thích hợp.

 

Nhìn một cách tổng quát, bảo toàn vốn và có lãi là nguyên tắc quan trọng nhất và là mục tiêu cơ bản nhất để quản lý doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ sở vững chắc cho Nhà nước thực hiện đúng các định hướng vĩ mô. Vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thông qua các phương pháp, công cụ kinh tế nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải phù hợp với các nhiệm vụ phát triển kinh tế của đất nước. Doanh nghiệp nhà nước là công cụ để Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô. Lĩnh vực quan trọng mà doanh nghiệp nhà nước phải giữ vai trò nòng cốt là ổn định thị trường, thực hiện nghiêm túc các mục tiêu chính trị, xã hội.

 

(1) Luật doanh nghiệp nhà nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.5

 

    Phó giáo sư, tiến sĩ VŨ VĂN PHÚC

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek