Thứ Ba, 01/10/2024 11:25 SA
Thành công nhờ đổi mới cách làm kinh tế trang trại
Thứ Tư, 19/07/2006 09:04 SA

9 trong tổng số 14ha của trang trại dành trồng mía, diện tích còn lại trồng bắp lai, mè, dưa lấy hạt, sắn... hai niên vụ vừa qua, ông Bàn thu lãi 390 triệu đồng. Ông bảo, đó là nhờ đổi mới tư duy cải cách làm kinh tế trang trại.

 

060719-ONG-BAN.jpg

Nhờ quyết đoán, nông dân Trần Văn Bàn đã thu lợi nhuận cao từ mô hình kinh tế trang trại - Ảnh: L.Kha

Năm 1991, gia đình ông Trần Văn Bàn (thôn Nguyên An, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà) sở hữu 28 ha đất chuyên canh mía. Năm 1993 ông sắm một che ép thủ công với công suất 10 – 12 tấn/ngày. Hằng năm ông Bàn ký hợp đồng cung cấp cho nhà máy đường Tuy Hòa từ 800 – 1.000 tấn mía cây. Thế nhưng, “năm 2000, lượng mía của toàn tỉnh là 1,4 triệu tấn, trong khi công suất của nhà máy đường Tuy Hòa là 1.250 tấn mía cây/ngày. Năm đó, tôi nợ nhà máy đường 107 triệu đồng, nhưng nhà máy không chấp nhận thu nợ bằng mía. Tháng 4 năm 2000, UBND tỉnh Phú Yên đã phải xuất quỹ phòng chống thiên tai cho nông dân mượn để sắm che ép thủ công, tôi cũng nhận hỗ trợ và mua thêm một bộ che thủ công công suất 15 tấn mía/ngày. Nhưng cũng phải đến rằm tháng Tám năm đó, tôi mới ép hết lượng mía của mình. Cuối vụ, gia đình tôi bị lỗ 120 triệu đồng”- ông Bàn nhớ lại.

 

Đến năm 2001, ông Bàn đọc báo, nghe đài, biết có chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi cho phép hộ nông dân kinh doanh sản xuất theo mô hình trang trại. Tiếp đó, Nhà máy đường KCP được xây dựng tại huyện Sơn Hòa. Ông Bàn đã đề ra một “chiến lược” cho kinh tế gia đình theo Nghị quyết 03/2000 của Chính phủ, chuyển đổi mạnh mẽ từ độc canh cây mía sang đa dạng hóa cây trồng; đầu tư theo hướng tập trung có trọng điểm, chủ động liên hệ các tổ chức để nhờ tư vấn về kỹ thuật, thị trường khi cần thiết. Ông Bàn “bật mí”: nhờ được Phòng Kinh tế huyện Sơn Hoà tư vấn, ông không bị mua hàng loạt các giống mía dỏm và bò xấu như nhiều hộ nông dân khác.

 

Cũng nhờ tư vấn, tháng 8-2004, ông Bàn vay được 30 triệu đồng, bỏ thêm 5 triệu nữa để mua 6 con bò đực. Đầu năm 2006, ông bán đi 3 con, thu 22 triệu đồng, 3 con còn lại ông dùng làm bò cày. 3 con bò đó hiện giúp ông mỗi tháng tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng tiền cày. Ông Bàn cũng quyết định chuyển dần một nửa diện tích hiện có của mình cho người khác, chỉ giữ lại 14 ha, trong đó, 9ha dành để trồng mía. Vụ sản xuất năm 2004 – 2005, ông thu được 552 tấn mía; vụ 2005 – 2006 ông thu 680 tấn, tức năng suất đạt 75,5 tấn/ha, thu hơn 367 triệu đồng. Với cây bắp lai, ông thu được từ 39 – 91 triệu đồng tùy từng năm; 30 – 40 triệu đồng từ mè, dưa lấy hạt và sắn và cũng vài chục triệu đồng/năm từ các loại vật nuôi như bò thịt, gà, vịt... Với mô hình kinh tế đó, niên vụ 2004-2005, ông Bàn thu lãi ròng được 140 triệu, còn niên vụ 2005-2006 con số lãi đã tăng lên 250 triệu đồng.

 

Ông Bàn cho rằng ông thành công là nhờ mạnh dạn đổi mới từ tư duy đến cách làm kinh tế. “Mạnh dạn và chủ động liên hệ với các ngành chức năng để không những nắm bắt kỹ thuật mà còn xem xét được thị trường thì mới có thành công”- ông nói. Ông Trần Văn Bàn cũng cho biết mục tiêu sắp tới của ông là cải tạo 6 ha đất trồng mía để đạt năng suất 120 – 150 tấn/ha.

 

KHOA THY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek