Vừa chật vật xoay xở để lo xong một cái tết, người tiêu dùng lại hết sức ngỡ ngàng khi chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, gas, sữa... đua nhau tăng giá.
Người tiêu dùng đắn đo khi chọn mua sữa – Ảnh: M.NGUYỆT |
Ông Nguyễn Hùng ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Vợ chồng tôi sống nhờ vào đồng lương hưu cùng một ít thu nhập từ tiền cho thuê nhà. Khi giá điện tăng, nếu tăng giá cho thuê phòng thì khó cho các cháu sinh viên, còn nếu không tăng thì sẽ khó cho chúng tôi. Trước mắt, tôi vận động các cháu xài điện phải tiết kiệm rồi sau đó sẽ tính”. Thông tin tăng giá điện từ ngày 1/3 khiến nhiều người dân ngỡ ngàng. Bà Lê Thị Nữ ở phường 2 (TP Tuy Hòa) than thở: “Nếu chỉ giá điện tăng thì người dân có thể thắt lưng buộc bụng. Đằng này, hễ cái này tăng giá lại kéo theo cái khác cũng tăng; làm sao tránh được việc các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng không bị “té nước theo mưa”?”. Thực tế, trong đợt tăng giá điện hồi tháng 7/2007, các mặt hàng khác cũng đua nhau tăng theo khiến chi phí của mỗi gia đình càng tăng gánh nặng. Điều này thể hiện khá rõ khi mỗi lần tăng giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian qua. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết ở phường 8 (TP Tuy Hòa), cho rằng: “Bên cạnh việc tăng giá điện, nhà nước cũng cần thực hiện biện pháp kiểm soát giá các mặt hàng khác; bản thân mỗi người dân sẽ nghĩ cách dùng điện sao cho tiết kiệm nhất. Thực tế, đồng lương công chức có giới hạn, đã gánh gồng đủ các khoản phí nên đời sống chúng tôi rất căng”. Nhiều gia đình ở TP Tuy Hòa đã thực hiện chính sách tiết kiệm bằng cách hạn chế giặt quần áo bằng máy giặt, máy tắm nước nóng…
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng họ sẽ bước vào giai đoạn mới vừa lo đối phó với khủng hoảng, vừa phải chống chọi với chi phí đầu vào tăng. Bà Dương Thị Thu Vinh, Phó giám đốc Công ty May xuất khẩu CAVINA, cho hay: “Điện chiếm 5% trong chi phí sản xuất. Giá điện tăng đã ảnh hưởng đến đầu vào trong sản xuất, đành phải tăng giá thành sản phẩm. Xưởng sản xuất chúng tôi sử dụng điện từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, toàn vào giờ cao điểm nên khó hạn chế được. Năm ngoái, giá điện tăng khiến công ty gặp khó, nay lại càng khó hơn”. Theo nhiều doanh nghiệp, khi giá điện tăng, các mặt hàng khác cũng lấy cớ tăng theo; hậu quả là người tiêu dùng phải gánh chịu. Việc tăng giá điện cùng lúc với giá xăng tạo ra sự lo ngại một mặt bằng giá mới được thiết lập nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Nhiều người cho rằng, giá xăng, điện tăng vào những tháng đầu năm sẽ tiếp tục đẩy đà tăng giá mạnh hơn. Giá xăng, điện tăng khiến các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân sẽ tăng theo, kể cả mớ rau, con cá. Nhiều chuyên gia khẳng định việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Chị Huỳnh Thị Nhã ở phường 7 (TP Tuy Hòa) than: “Qua rằm tháng Giêng, giá các loại thịt đã giảm nhưng phở, bún vẫn giữ ở mức 20.000 đồng mỗi tô; quán nào trở về mức 15.000 – 17.000 đồng thì chất lượng cũng giảm theo”. Thậm chí, các quán ăn vỉa hè cũng đồng loạt tăng giá. Nhiều người cho rằng vì cứ sau tết, giá cả đã tăng thì rất khó hạ.
Từ nửa cuối tháng 2/2010, nhiều hãng sữa ngoại, sữa nội cũng đua nhau tăng giá bán với lý do giá nguyên liệu đầu vào đang tăng. Theo các cửa hàng bán lẻ, Vinamilk đã chính thức tăng giá hơn 20 sản phẩm thêm 8% từ ngày 22/2. Trước đó, vào đầu tháng 1/2010, nhiều công ty sữa đã tăng giá khá mạnh với 10 – 15%. Giải thích việc tăng giá sữa, các nhà kinh doanh đều đưa ra lý do quen thuộc: sữa nhập khẩu giá nhập không tăng, nhưng do tỉ giá đồng USD với VND tăng hoặc do phải điều chỉnh lương nhân viên … Người tiêu dùng ưa thích hàng nhập khẩu hiện phải gánh quá nhiều chi phí như lương, quản lý, quảng cáo, tiếp thị, hoa hồng… trong mỗi hộp sữa. Đối với sữa nội, nhà kinh doanh giải thích là do nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đã tăng giá 50% so với cùng kỳ ngoài việc USD tăng giá. Bà Trần Thị Lan, chủ cửa hàng bán sữa ở phường 1 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Sữa ngoại tăng giá liên tục đã gây nhiều bất bình trong dư luận, nay lại thêm sữa nội. Có những hãng sữa nội như Vinamilk chỉ hơn một tháng tăng giá đến hai lần với tổng mức tăng lên đến 14%...”.
Trong tháng 2/2010, giá xăng đã hai lần tăng. Ngày 1/3, giá gas Saigon Petro, MT Gas tiếp tục tăng thêm 4.000 đồng/bình 12kg; còn Saigon Gas, Total Gas, Elf Gas… tăng 4.000 – 8.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng đối với các loại gas hiện 270.000 – 280.000 đồng/bình.
MINH CHÂU