Ngoài lý do tăng giá xăng kém thuyết phục, thời điểm tăng giá rất bất lợi cho người tiêu dùng và sự ổn định của nền kinh tế nước ta.
Ngày 21/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Canh Dần), trong lúc mọi người còn vui Xuân hoặc đang trên đường từ quê trở về nơi làm việc, giá xăng bất ngờ tăng 590 đồng/lít mà không có bất kỳ lời báo trước nào.
Khách hàng đổ xăng tại một cửa hàng của Petrolimex chi nhánh Phú Yên - Ảnh: N.HUY |
LÝ DO TĂNG CHƯA THUYẾT PHỤC
Người dân không hiểu có lý do nào bức bách đến mức các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải tăng giá vào thời điểm này. Vậy là trong tương lai, nỗi ám ảnh của việc tăng giá xăng đột ngột sẽ cứ mãi đeo đuổi người tiêu dùng.
Một quan chức của Tổng Công ty Xăng dầu Việt
HÌNH THÀNH MẶT BẰNG GIÁ MỚI
Không nghi ngờ gì nữa, tăng giá xăng vào thời điểm ngay sau tết này sẽ “đổ dầu vào lửa” cho đợt tăng giá thường vẫn diễn ra trên thị trường sau mỗi dịp tết. Giá thực phẩm, rau củ quả và chi phí đi lại đã tăng lên sau tết, nay lại được đợt tăng giá xăng dầu này tiếp tay với lý do chi phí vận tải tăng nên sẽ khó trở lại mức như trước tết được.
Việc tăng giá điện vào ngày 1/3 sắp tới đã được thông báo trước, giá than cũng đã được đẩy lên, giá nước sinh hoạt ở Hà Nội đã lên mức 4.000 đồng/m3 (một số địa phương khác chắc chắn sẽ tăng giá nước tương tự). Giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất tăng sẽ góp phần hình thành mặt bằng giá mới sau khi đã tác động liên ngành phụ thuộc vào hệ số theo mô hình “vào - ra” (input - output) của Leontiev (tên nhà khoa học người Mỹ gốc Nga đoạt giải Nobel kinh tế).
Ví dụ, sản xuất một tấn thép, một tấn xi măng cần bao nhiêu điện, bao nhiêu xăng dầu, giá thép, giá xi măng sẽ tăng, kéo theo giá nhà tăng. Mỗi một sản phẩm phụ thuộc vào hệ số liên ngành, ít nhiều đều phải chịu mức tăng nhất định, sau khoảng 3 tháng, sẽ hình thành mặt bằng giá cao hơn là không tránh khỏi.
Từ ngày 1/1/2010, hàng loạt ưu đãi thuế đã được bãi bỏ, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp không còn, ưu đãi về thuế nhập khẩu và thuế trước bạ cho ô tô cũng không còn... Những yếu tố trên chắc chắn sẽ góp phần tăng giá các mặt hàng liên quan. Qua đó, có thể nói rằng chọn thời điểm này để tăng giá bán lẻ xăng là sai lầm, thậm chí nguy hiểm cho cả nền kinh tế.
Biểu đồ tăng tín dụng Việt |
LÀM TĂNG NGUY CƠ LẠM PHÁT
Sở dĩ nói như vậy bởi trong năm 2009, tín dụng đã tăng 38% để đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 5,32%; như vậy, cần tăng 7% tín dụng để đạt mức tăng 1% GDP. Năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,5% (tuy cao hơn năm 2009 nhưng còn thấp hơn mức trung bình nhiều năm trước đây), song mức tăng tín dụng dự kiến chỉ tăng 25%. Vậy là năm 2010 chỉ cần dưới 4% tăng tín dụng đã có thể tăng 1% GDP, một mức tăng hiệu quả đồng vốn quá cao trong khoảng thời gian rất ngắn, không biết có thành hiện thực?
Nhìn vào biểu đồ tăng tín dụng (xem ảnh), chúng ta có thể thấy tín dụng đã tăng rất mạnh từ tháng 2 đến tháng 6/2009, sau đó bị hãm lại đột ngột tới mức gần bằng 0 vào những tháng cuối năm, cho thấy cách điều hành “giật cục” này đã tạo ra sự khan hiếm thanh khoản không đáng có mà các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đang gánh chịu.
Nếu tình hình thanh khoản tín dụng ngân hàng tiếp tục căng thẳng, sớm hay muộn cũng sẽ dẫn đến căng thẳng thanh khoản của doanh nghiệp và lan ra cả nền kinh tế. Lúc đó, mục tiêu tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng. Kịch bản lạm phát cao hơn mục tiêu, tốc độ tăng trưởng lại thấp hơn mục tiêu đề ra đang lấp ló đâu đó rất gần! Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn khả năng để xử lý nếu có biện pháp hữu hiệu, kịp thời và đó là điều người dân mong đợi nhất.
Vận tải rục rịch tăng giá cước Theo Nghị định 84/CP, doanh nghiệp được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi giá đầu vào biến động trong phạm vi 7% mà không phải xin phép. Cho nên việc tăng giá 590 đồng/lít xăng lần này là thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì đúng nhưng thời điểm thì không thuận lợi, vì tăng giá vào cuối tháng 2 sẽ tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3. Trong khi đó, theo thông lệ, tháng 3 là thời điểm cần giữ được CPI giảm hoặc chí ít là tăng rất thấp để bảo đảm giữ được CPI của cả năm. Đặc biệt năm nay, vào tháng 3 sẽ tăng giá điện nên có thể sự cộng hưởng tăng giá xăng và điện sẽ tạo thành cú sốc. Như vậy, khả năng kiềm chế lạm phát ở mức một con số sẽ trở nên khó khăn. Trước việc giá xăng bất ngờ tăng 590 đồng/lít, ngày 22/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nói: “Theo tính toán của chúng tôi, giá nhiên liệu tăng 10% trở lên thì doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng giá cước 3% để bù đắp chi phí. Đến nay, giá xăng tăng 7% đã bắt đầu có tác động xấu, nhưng hiệp hội đã có văn bản khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên tính toán kỹ để có điều chỉnh phù hợp...”
Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH - (NLĐ)