Nhu cầu về ngoại tệ (chủ yếu USD) những tháng giáp Tết Nguyên đán Canh Dần tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa. Để giảm sức ép này cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp.
Khách hàng vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Phú Yên - Ảnh: N.Q
Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên, xét về tổng thể thì cung – cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định. Tuy nhiên, tâm lý nắm giữ ngoại tệ cùng hoạt động đầu cơ trên thị trường tự do khiến cho cung – cầu ngoại tệ bị bóp méo, tỉ giá bị đẩy lên. Tâm lý này xuất phát từ việc lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với kỳ vọng tỉ giá tăng. Doanh nghiệp xuất khẩu thu ngoại tệ về không bán cho ngân hàng mà giữ trên tài khoản tiền gửi để chờ tỉ giá tăng hoặc bán ra ngoài thị trường tự do để hưởng chênh lệch. Thêm vào đó, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng khiến nhiều doanh nghiệp có ngoại tệ gửi tại ngân hàng nhưng không bán mà đi vay vốn bằng đồng Việt Nam (VND) để hưởng lãi suất. Người dân có tiền nhàn rỗi thì đi mua USD để tích trữ hoặc đem gửi lại vào ngân hàng. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại ở Phú Yên cho biết, có thời điểm hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do (chủ yếu tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng) nhộn nhịp hơn gấp nhiều lần tại ngân hàng. Cá biệt có ngày ngân hàng chỉ giao dịch khoảng 10.000 USD, trong khi tại các doanh nghiệp vàng lượng ngoại tệ giao dịch lên đến vài trăm ngàn USD. Tất cả những điều này dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại thừa nguồn USD để cho vay, song lại không có USD để bán.
Theo những người làm ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay để giảm áp lực cầu USD cũng như phòng ngừa rủi ro tỉ giá, các doanh nghiệp nên đa dạng hóa ngoại tệ trong giao thương quốc tế. Chọn loại ngoại tệ trong giao dịch tùy theo từng thị trường để tránh phụ thuộc vào USD và có thể tối đa hóa lợi nhuận. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thu về ngoại tệ nào thì nên vay ngân hàng loại ngoại tệ đó để tránh rủi ro về tỉ giá và lãi suất. Ông Trần Kim Hiếu, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (Vietinbank) tại Phú Yên cho biết: “Nguồn ngoại tệ để cho vay phục vụ nền kinh tế của ngân hàng khá dồi dào. Như vậy cánh cửa tín dụng này đang rộng mở đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không muốn vay ngoại tệ tại ngân hàng mà chỉ muốn “mua đứt, bán đoạn” chủ yếu do lo ngại rủi ro tỉ giá”. Còn đại diện chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) tại Phú Yên thì cho biết, cách an toàn nhất là doanh nghiệp sử dụng các công cụ phát sinh để bảo hiểm rủi ro tỉ giá như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi ngoại tệ, hoán đổi lãi suất… Cân đối sử dụng ngoại tệ trong kế hoạch kinh doanh của mình.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết, ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo các tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn tăng cường bán ngoại tệ cho ngân hàng, thị trường ngoại hối đã bớt căng thẳng. Ngành Ngân hàng Phú Yên đang tiếp tục triển khai các giải pháp như chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại, hạn chế hoạt động của thị trường “chợ đen”, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình mua, bán USD với tỉ giá ngoài biên độ cho phép… từng bước đưa thị trường ngoại hối ổn định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do Phú Yên không thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, mà do Chi cục Quản lý thị trường và ngành Công an quản lý. Muốn giám sát được thị trường ngoại tệ tự do thì phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, mất thời gian.
NGUYỄN QUANG