(Tiếp theo và hết)
THIẾU KIỂM TRA, PHẠT CHƯA NGHIÊM
Việc khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phổ biến không chỉ ở sông Ba, mà còn ở nhiều điểm nóng khác trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Tuy An, việc khai thác cát lòng sông Cái khu vực gần cầu Ngân Sơn diễn ra thường xuyên. Việc khai thác trái phép ở khu vực này chỉ tạm lắng xuống khi chính quyền vào cuộc, sau đó không lâu lại tái diễn, gây bức xúc dư luận. Khu vực bờ biển TP Tuy Hòa cũng là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, song ngành chức năng và chính quyền cơ sở vẫn chưa ngăn chặn triệt để.
Khai thác cát ở khu vực bờ biển TP Tuy Hòa - Ảnh: N.TRƯỜNG
Tình trạng đó thể hiện sự bất cập trong quản lý của chính quyền địa phương, trong đó có nguyên nhân thiếu kiểm tra, kiểm soát và xử lý sai phạm chưa kiên quyết. Theo Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên, 3 năm qua, trong số 9 huyện, thị xã, thành phố thì có 4 địa phương chưa phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản. Tích cực nhất là TP Tuy Hòa, xử phạt 55 trường hợp với 69,65 triệu đồng, trong đó Bình Kiến là xã xử phạt nhiều nhất. Từ năm 2007 đến nay, UBND xã Bình Kiến đã phát hiện trên 20 trường hợp khai thác cát trái phép dọc bờ biển của địa phương này, xử phạt vi phạm hành chính 26,8 triệu đồng. Theo Nghị định 77/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, thì hành vi vi phạm khai thác khoáng sản, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, cao nhất đến 100 triệu đồng, thuộc thẩm quyền của cấp trên. Nhưng UBND xã Bình Kiến áp dụng xử phạt về hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép ở mức trên dưới 1 triệu đồng/trường hợp nên chưa đủ mức răn đe. Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến, cho biết: “Việc khai thác cát trái phép của các đối tượng thường diễn ra vào ban đêm, khi phát hiện thường là lúc chúng đã vận chuyển ra khỏi nơi khai thác. Như trường hợp bắt xe tải 78K- 4380 chở cát trên đường Độc Lập vào ngày 30/6/2009, chúng tôi phải báo cáo lên cấp trên, nhờ lực lượng cảnh sát giao thông mới có thể bắt được. Hiện nay, theo quy định, ở cấp xã chỉ được phạt tối đa 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản (cát) không rõ nguồn gốc, nên cũng không đủ sức để chống lại những kẻ khai thác cát trái phép”.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ LẬP LẠI TRẬT TỰ
Trao đổi với Báo Phú Yên, tiến sĩ Lại Hồng Khanh, Trưởng phòng Khoáng sản, Cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam, cho rằng: “Khoáng sản là tài sản đất nước. Là tài sản tại sao không định giá được? Nếu khoáng sản có giá thì có thể coi như Nhà nước góp vốn để cùng doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận. Do vậy, việc nghiên cứu các hình thức sở hữu tài nguyên khoáng sản và đổi mới quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đảm bảo sự phát triển bền vững của Việt
Theo Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 11/3/2009 của UBND tỉnh về việc quy hoạch các điểm khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi), trên địa bàn tỉnh có sông Ba, sông Cái, sông Bánh Lái và sông Tam Giang có trữ lượng cát lòng sông khoảng 370 triệu m3, trong đó có 30 điểm mỏ (doi) cát được khai thác với trữ lượng 150 triệu m3. Để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này, thiết nghĩ tỉnh Phú Yên nên tổ chức sắp xếp lại các điểm khai thác cát lòng sông đã được quy hoạch theo hướng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các công trình thủy lợi, công trình giao thông, không làm tác động đến dòng chảy của các sông; tổ chức các khu bãi chứa cát tập trung để cung ứng cát phù hợp với nhu cầu từng địa phương. Mặt khác, tăng cường nhân lực cho cấp huyện để thực hiện có hiệu quả hơn nữa chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản ở cơ sở; đẩy mạnh việc kiểm tra, thanh tra giải quyết các “điểm nóng” khai thác cát trái phép, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đang xây dựng nhiều công trình, nên sử dụng khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường rất lớn. Khi có nhu cầu khoáng sản để phục vụ xây dựng, các đơn vị thi công phải lập thủ tục thăm dò, khai thác tốn kém kinh phí mà mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, nên nhà thầu tìm cách “xé rào” bằng cách thỏa thuận với nhân dân hoặc xin cơ quan có thẩm quyền vừa lập thủ tục, vừa khai thác. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa Nguyễn Văn Học bức xúc: “Huyện có nguồn cát sông Ba rất lớn, nhưng mỗi khi xây dựng công trình lại phải mua của các nhà thầu có phép khai thác cát, chở từ TP Tuy Hòa lên. Điều đó làm cho giá trị xây dựng công trình tăng cao”. Nên chăng UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn để kịp thời phục vụ các công trình xây dựng và dân sinh.
Khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, nghĩa là khai thác nhiều sẽ hết. Việc quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên cát và tổ chức khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm chẳng những đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH mà còn bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
NGUYÊN TRƯỞNG