NHỮNG NGƯỜI TIÊN PHONG
Phú Yên hiện có ba Trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng liên kết cung ứng lao động xuất khẩu: Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh (7B Hoàng Diệu, TP Tuy Hòa, thuộc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn (274 Trường Chinh TP Tuy Hoà, thuộc Liên đoàn lao động tỉnh) và Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên (30 Duy Tân, TP Tuy Hoà, thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Phú Yên). Các Trung tâm này đang tuyển dụng lao động phổ thông và lao động có nghề, với số lượng lớn đi Malaixia và Úc. Đối với lao động tại Malaixia chi phí trên dưới 20 triệu đồng, mức lương trên dưới 6 triệu đồng/tháng. Lao động tại Úc, chi phí xuất cảnh khoảng 150 triệu đồng, mức lương khoảng 390 triệu đồng/năm. Người lao động có nhu cầu liên hệ tại các Trung tâm giới thiệu việc làm trên.
Nguyễn Văn Đua (xã An Cư, huyện Tuy An) đăng ký XKLĐ đợt đầu tiên sang Malaixia vào tháng 2-2004. Theo lời kể của gia đình, đến nay Đua đã thích nghi với điều kiện sống và làm việc nơi xứ người. Đua làm công nhân tại một nhà máy. Công việc tương đối nhẹ nhàng, mức lương 270USD/ tháng, cộng với tiền tăng ca, mỗi tháng Đua thu nhập trên 6 triệu VNĐ. Đến nay, tiền vay ngân hàng gia đình đã trả xong và Đua đang tiếp tục lao động để tích lũy vốn. Huỳnh Ngọc Nhựt (thị trấn Chí Thạnh), Nguyễn Văn Tiên (xã An Cư) cùng đi một chuyến với Nguyễn Văn Đua, thông tin cho biết, đều có việc làm và mức lương phù hợp. Nguyễn Văn Tiên đã gắn bó với công việc sản xuất linh kiện điện tử, còn Ngọc Nhựt yên tâm với việc lái xe vận chuyển hàng trong nhà máy sản xuất dây điện công nhiệp với mức thu nhập trên dưới 6 triệu VNĐ. Trường hợp lao động nữ Trần Tường Uông xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) cũng tương tự. Uông đi XKLĐ sang Malaixia vào tháng 10-2004. Công việc của Uông là sản xuất đồ chơi trẻ con. Ông Trần Lê Kha, cha của Uông cho biết: “Hàng tuần con gái tôi đều liên lạc với gia đình bằng e-mail hoặc gọi điện thoại di động về. Được biết công việc của con tôi cũng không nặng nhọc, còn được công ty cho tham quan, nghỉ lễ, nhận phụ cấp... nên cũng yên tâm”. Và Trần Thị Đức Hạnh, học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà XKLĐ sang Hàn Quốc tháng 2-2005 với công làm đồ mộc gia dụng, hiện cuộc sống đã ổn định. Nơi Hạng làm việc còn có 3 công nhân Việt
CHƯA ĐẠT 0,5% SO VỚI ĐỀ ÁN
Tháng 4-2003, UBND tỉnh triển khai công tác XKLĐ giai đoạn 2003-2005. Thế nhưng đến nay, theo báo cáo của Phòng Lao động tiền lương (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên), số lao động xuất khẩu theo đề án mới chỉ được 29 người đi sang Malaixia, 9 học sinh nghề ở hai trường Cao đẳng Xây dựng số 3 và Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Theo thống kê của Phòng Xuất nhập cảnh Công an Phú Yên, số lao động xuất khẩu (ngoài đề án) đi các nước được cấp giấy phép đến tháng 6-2005 là 50 người. Như vậy, tổng số lao động xuất khẩu qua các kênh cũng chưa đến 100 người. Trong khi đó mục tiêu của đề án XKLĐ từ năm 2003 – 2005 của tỉnh là 2.300 lao động, tính tròn số cũng chưa đạt 0,5%!
NGƯỜI LAO ĐỘNG THIẾU TIỀN VÀ THIẾU THÔNG TIN
Có nhiều lý do, trước hết là do điều kiện về tài chính, người lao động không đáp ứng được số tiền phải đóng theo quy định. Theo đề án, tất cả các đối tượng xuất khẩu đều được hỗ trợ 60% kinh phí đào tạo, 80% mức kinh phí xuất cảnh (14 triệu đồng đối với lao động đi Malaixia, 19 triệu đồng đối với lao động đi Đài Loan, đối tượng không thuộc diện chính sách được vay 80% mức này). Các ngân hàng chính sách và ngân hàng nông nghiệp địa phương có trách nhiệm cho người lao động vay. Thế nhưng, trên thực tế không phải ai cũng được vay, bởi khi cán bộ ngân hàng đến “xem nhà” thì … không đủ điều kiện! Nhiều người đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ xuất ngoại làm thuê.
Các tư vấn viên Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn đang tư vấn cho người lao động xuất khẩu Ảnh: T.N |
Nguyên nhân quan trọng khác là đến nay, một bộ phận lớn nhân dân ở Phú Yên chưa có nhiều thông tin về XKLĐ. Trong khi đó, thông tin về các vụ “tai nạn” khi ra nước ngoài làm ăn (bị ngược đãi, ức hiếp, lang thang…) lại khá nhiều. Hầu hết người lao động đều lo sợ khi một thân một mình ở xứ người, khi các đơn vị trong nước phủi tay hết trách nhiệm. Bên cạnh đó còn có một số lao động ngại công việc và đặt yêu cầu quá cao.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở LĐ – TB – XH Phú Yên, nói: “Có hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác XKLĐ, một là thiếu sự đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong chỉ đạo và thực hiện, thứ hai là thiếu thông tin và trình độ của người lao động không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”. Còn ông Đinh Quốc Văn, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn, nhìn nhận: “Kinh nghiệm của những nơi làm tốt công tác XKLĐ cho thấy phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền trực tiếp, nghĩa là chuyên viên phải đến tận nơi, thậm chí cùng ăn cùng ở tại địa bàn”. Đợt tiếp xúc của Trung tâm giới thiệu việc làm Công đoàn tại các huyện và Hội chợ việc làm do tỉnh tổ chức đã làm nhận thức của người lao động chuyển biến rõ rệt. Ông Văn cho biết thêm: “Hiện nay, số lượng người lao động đến Trung tâm tìm hiểu sâu các thông tin về XKLĐ ngày càng nhiều, cứ 10 người thì có 3 người hỏi về XKLĐ”. Điều này cũng được ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ – TB – XH tỉnh) khẳng định. Vấn đề là các cơ quan chức năng sớm khắc phục những tồn tại để làm tốt hơn công tác XKLĐ.
TRẦN QUỚI