Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi lãi suất cơ bản được điều chỉnh tăng lên 8%/năm, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND. Nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố áp dụng mức lãi suất cao nhất là 10,49%/năm. Lãi suất huy động USD cũng được các ngân hàng điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,3-0,7%/năm, và mức lãi suất huy động cao nhất là 4,5%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay phổ biến ở mức 11-12%/năm. Lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến từ 15-17%/năm. Từ đầu tháng này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất cho vay với mức tăng từ 1,5-2%/năm đối với cho vay thông thường, tăng khoảng 0,5-1%/năm đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống và cho vay thông qua thẻ tín dụng. Lãi suất cho vay USD cũng tăng khoảng 0,3-0,5%/năm so với trước đây.
Hiện nay, lãi suất cho vay USD của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức 5,5-6,5%/năm; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 6,0-8,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi áp dụng các biện pháp đồng bộ về tỉ giá, thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại. Tỉ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, đến nay đã giao dịch trong biên độ quy định. Tính thanh khoản trên thị trường đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, nhiều doanh nghiệp đã bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỉ giá tương đối ổn định, áp dụng các biện pháp can thiệp thích hợp để thị trường ngoại hối hoạt động tích cực hơn.
(SGGP)