Yếu tố con người chiếm một vị trí quan trọng trong các sản phẩm du lịch. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực từ nhà quản lý, hoạch định chiến lược đến nhân viên phục vụ.
Nhân viên lễ tân khách sạn Hương Sen (TP Tuy Hòa) làm thủ tục cho khách nhận phòng – Ảnh: MINH NGUYỆT |
Hiện phần lớn cán bộ quản lý, kinh doanh du lịch còn thiếu kinh nghiệm “thương trường” nên các doanh nghiệp du lịch lớn như các khách sạn 4, 5 sao, các công ty lữ hành quốc tế cần chủ động thuê các chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm cương vị quản lý điều hành trong một thời gian nhất định. Đây là điều kiện tốt để đội ngũ cán bộ quản lý điều hành kinh doanh du lịch trong nước có dịp học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài, giải quyết tốt những tình huống mà thực tiễn đặt ra. Nếu thực hiện tốt chính sách này, sau một thời gian “cọ xát”, đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch Việt Nam sẽ trưởng thành, tiếp cận được với trình độ quản lý kinh doanh du lịch của các nước.
Thực hiện chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng phối hợp thực hiện để đẩy nhanh công tác đào tạo lại và bồi dưỡng lực lượng lao động trong du lịch, từng bước xã hội hóa đào tạo du lịch. Có chính sách đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiện có kết hợp với đào tạo mới cả ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho lâu dài. Cần ưu tiên gửi những cán bộ có kinh nghiệm, nhiều sáng kiến, có năng lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh du lịch đi đào tạo ở các nước có ngành du lịch phát triển để tiếp thu những kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch ở những nước này và áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp mình. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc chính sách cán bộ từ quy hoạch, tuyển dụng, sắp xếp, quản lý và đãi ngộ; chú trọng từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, kết hợp ưu tiên sử dụng cán bộ có trình độ tay nghề và kinh nghiệm cao, đảm bảo tính kế thừa trong phát triển nguồn nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập hiện nay. Để đạt được mục tiêu về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian tới, ngành du lịch Phú Yên cần xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển nguồn lực phù hợp với nhu cầu phát triển ngành du lịch địa phương, coi trọng nguồn lực con người cả về số lượng và chất lượng là yếu tố quyết định trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Việc đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao cần tập trung theo các hướng đào tạo tại chỗ theo 13 bộ nghề tiêu chuẩn VTOS. Việc đào tạo này được thực hiện ngay tại các cơ sở, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch ở địa phương. Với giải pháp này, kinh phí đào tạo không lớn, nhiều đối tượng cùng tham gia đào tạo và thực hành ngay tại cơ sở nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa… là những địa phương có các trường đào tạo nghiệp vụ du lịch, trong đó có những cơ sở chuyên đào tạo về du lịch. Có hai xu hướng gửi cán bộ đi đào tạo ở các trung tâm này. Thứ nhất, các sinh viên dự các kỳ thi tuyển thẳng vào các trường. Thứ hai là các cán bộ đang làm việc được cử đi đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Ngoài ra, trong các chương trình hợp tác quốc tế của Tổng cục Du lịch cũng như của địa phương thường gắn công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Các khóa đào tạo này thường ngắn hạn và thường mang lại hiệu quả đào tạo tương đối tốt.
Vai trò của cộng đồng cũng rất quan trọng trong việc đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của ngành du lịch về mặt văn hóa, xã hội. Thực hiện giải pháp này, cần quan tâm đến một số vấn đề như: Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ việc đào tạo tại cộng đồng để chính người tham gia đầu tư phát triển du lịch nơi họ sinh sống. Chính sách này rất quan trọng, một mặt vừa thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong dân, mặt khác tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, giúp họ trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường; cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch. Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ đào tạo nhân lực ban đầu tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch như chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lương thực, thực phẩm…
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN THANH
Phó trưởng Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội