Vào thời điểm này những năm trước, mỗi tàu câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên ra khơi 6-7 chuyến, tàu thấp nhất cũng thu lãi vài chục triệu đồng. Thế nhưng, mùa này, hơn 90% tàu chỉ mới đi được 2-3 chuyến biển và hầu hết đều bị lỗ nặng.
CÀNG ĐI, CÀNG LỖ
Hiện nay, hầu hết tàu thuyền có công suất lớn ở Phú Yên đều neo đậu ken dày ở ven các bến cảng. Hôm chúng tôi đến bến cá phường 6, chỉ có 3 chiếc tàu vừa cập bến. Ông Trần Khiêm, chủ tàu PY20067 thở dài: “Năm nào, tàu tôi câu khơi cũng thu lãi, vậy mà nay càng vươn khơi, càng lỗ vốn. Đây là chuyến thứ ba đi khơi ròng rã 25 ngày nhưng chỉ câu được 4 con cá ngừ và 1 con cá cờ, khi bán trừ chi phí bị lỗ gần 20 triệu đồng”. Tôi bắt gặp những gương mặt phờ phạc, buồn bã ngồi lặng lẽ trên boong tàu. Họ chính là những người vừa mới trải qua những chuyến biển dài ngày vất vả mà chẳng câu được gì. Anh Vương, người đi bạn cho tàu PY92070TS của ông Trần Hữu Phước cho biết: “Chúng tôi đi ba chuyến biển thì hai chuyến bị lỗ nặng. Riêng chuyến này đi khơi xa cả tháng nhưng không dò được luồng cá trên ngư trường và chỉ câu được 10 con, lỗ gần 30 triệu đồng. Mấy tháng đi biển chủ tàu lỗ vốn, người đi bạn làm thuê không được chia đồng nào, nên không biết lấy gì trang trải cho gia đình…”
Tàu câu của ông Trần Khiêm ở phường 6, TP Tuy Hòa đi 25 ngày ròng rã trên biển nhưng chỉ câu được 4 con cá ngừ - Ảnh: Nguyên Lưu
Cũng ở bến cá phường 6, ông Lê Văn Lợi – Trưởng trạm thu mua hải sản quốc tế ANNASEA, cho hay: “Vào thời điểm này các năm trước, cơ sở của tôi đã thu mua trên 400 tấn cá, nhưng mùa này chỉ mua được hơn 150 tấn. Hiện nay, mỗi ngày chỉ mua được 1-2 tấn cá ngừ, nên phải thu mua gom nhiều loại cá khác mới đủ chuyến xuất khẩu. Mặc dù sản lượng đánh bắt cá ngừ giảm mạnh, khan hiếm, nhưng giá không tăng là do bà con bám biển quá dài ngày và sơ chế không đảm bảo làm giảm chất lượng cá xuất khẩu. Nếu bà con chuyển đổi phương thức sơ chế cá ban đầu trên tàu, nâng cao chất lượng cá tươi thì giá sẽ tăng cao lên 80.000 – 90.000 đồng/kg”.
NGƯ DÂN PHẢI RAO BÁN TÀU THUYỀN
Nghề câu cá ngừ ở Phú Yên vốn rất thịnh hành và khá nổi tiếng trong cả nước. Chính hấp lực từ những “mùa vàng” cá ngừ đại dương đã thu hút hàng trăm hộ ngư dân đua nhau đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư cụ chuyển mạnh sang khai thác hải sản xa bờ. Song có một thực tế là nhiều chủ tàu chưa làm chủ được các phương tiện khai thác khơi, chưa nắm bắt được ngư trường di chuyển cá ngừ, trình độ và kinh nghiệm lao động trên biển hạn chế (hơn 30% thuyền viên là nông dân), nên đánh bắt không hiệu quả. Điều đáng nói là đa số tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Yên còn làm ăn theo kiểu đơn lẻ, chưa liên kết với nhau theo hình thức tập đoàn câu khơi để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, ngư trường… Một thực tế khác là mùa này cá ngừ di chuyển thưa thớt, ngư dân phải bám biển dài ngày và đi xa 500 – 700 hải lý mà vẫn chỉ câu được rất ít cá. Trong khi giá bán không tăng, mà chi phí nhiên liệu, vật tư liên tục tăng cao nên ngư dân đánh bắt xa bờ gặp khó khăn chồng chất. Theo tính toán của ngư dân, so với năm 2003, chi phí mỗi chuyến biển tăng 38%, trong đó dầu diesel tăng 65%/chuyến (khoảng 15 triệu đồng/chuyến). Với mức giá cá ngừ như hiện nay, tàu câu cá ngừ đại dương phải đạt năng suất từ 1,1 tấn/chuyến biển trở lên mới đảm bảo bù đắp được các chi phí. Tuy nhiên, thực tế năng suất khai thác bình quân trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 0,91 tấn/chuyến, lỗ bình quân 13,2 triệu/chuyến.
Chính thực trạng trên, hiện nay, đa số các chủ tàu thuyền phải neo bến. Nhiều chủ tàu lúng túng không biết chuyển đổi sang khai thác nghề gì! Hiện đang hàng chục chủ tàu phải kêu bán tàu. Ông Trần Văn Giác, chủ tàu PY90333, ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Tôi đi mấy chuyến biển bị lỗ vốn, nợ vay ngân hàng trên 80 triệu đồng. Tàu nằm bờ gần tháng nay rồi, đành phải kêu bán tàu để trang trải nợ nần”.
Tháo gỡ khó khăn để tiếp tục phát triển thế mạnh của nghề khai thác cá ngừ đang là vấn đề cấp bách đối với ngành thủy sản Phú Yên. Mới đây, khi trực tiếp đối thoại với ngư dân TP Tuy Hòa, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã lưu ý ngành thủy sản địa phương phải giúp dân tính toán lại cơ cấu nghề nghiệp, mức độ khai thác khơi, dự báo ngư trường, mùa vụ, tổ chức lại sản xuất, thành lập tổ tàu thuyền hỗ trợ nhau trên ngư trường, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, sản lượng khai thác. Nếu như nghề khai thác cá ngừ không đạt, bà con bị động trong vươn khơi, thì có thể tạm thời chuyển qua khai thác nghề khác hoặc kiêm nghề…
LƯU PHONG