Dù chính sách bù 4% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực nhiều ngày qua, nguồn vốn khá dồi dào song đến nay đa số các ngân hàng vẫn còn lúng túng, chưa xác định rõ đối tượng nào được vay theo chính sách này. Nguyên nhân là do hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nhiều điểm chưa rõ ràng, cụ thể.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN |
NGUỒN VỐN DỒI DÀO
Ông Nguyễn Ninh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Agribank) tại Phú Yên, cho biết Agribank đã công bố chương trình cho vay bù lãi suất trên địa bàn Phú Yên với tổng vốn dự kiến gần 2.000 tỉ đồng, lãi suất sau khi bù tối thiểu chỉ 5%/năm, tối đa 6%/năm. Ngân hàng này sẽ ưu tiên các khách hàng là doanh nghiệp, hộ sản xuất. Các ngân hàng khác như Công thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank), Đầu tư – Phát triển (BIDV), Đông Á (DongA Bank)... đều đã khởi động chương trình cho vay kích cầu, bảo đảm sẽ có đủ nguồn vốn cung ứng cho khách hàng thuộc đối tượng được hưởng chính sách bù lãi suất. Theo đại diện của BIDV Phú Yên, với mức lãi suất hiện tại, khi trừ 4% lãi suất hỗ trợ, các doanh nghiệp vay vốn được hưởng mức lãi suất bình quân 5,5 – 6,5%/năm, chỉ bằng 1/3 của đỉnh lãi suất năm 2008. Mức lãi suất ưu đãi sau khi Nhà nước hỗ trợ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dành cho doanh nghiệp xuất khẩu 1,5% - 2%/năm; đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác ở mức 4,8%/năm. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ dành 25.000 – 30.000 tỉ đồng để triển khai chương trình này trong toàn hệ thống. Còn khách hàng của Vietinbank được xem xét giảm lãi suất, những khách hàng truyền thống là doanh nghiệp kinh doanh tốt được hưởng một số ưu đãi.
VẪN CÒN LÚNG TÚNG
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2009/TT-NHNN quy định chi tiết việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, vẫn còn một số vấn đề về đối tượng, phạm vi áp dụng quy định hỗ trợ lãi suất chưa được xác định rõ ràng, một số trường hợp phát sinh trong thực tế song Ngân hàng Nhà nước chưa lường hết nên chưa đưa vào thông tư hướng dẫn. Chẳng hạn, việc xác định ngành nghề kinh doanh được hưởng lãi suất hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề nhưng trên thực tế khó xác định lĩnh vực nào hoạt động chính; việc sử dụng lao động của doanh nghiệp không ổn định, không có cơ sở xác định chính xác. Theo quy định, doanh nghiệp tự khai, đề nghị được hưởng mức hỗ trợ lãi suất nhưng quy định chưa nói rõ cơ quan nào thẩm định. Hoặc những trường hợp đang vay vốn ngân hàng trước đây, nay muốn hoàn trả vốn sớm để vay lại theo chương trình hỗ trợ lãi suất thì giải quyết như thế nào... Những vấn đề này Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập.
Đa số doanh nghiệp tại Phú Yên đều tỏ ra hồ hởi trước chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp thuộc diện được hỗ trợ lãi suất cho rằng các ngân hàng đã mở rộng cửa cho vay hơn nhưng một số thủ tục vay vẫn rườm rà. Mỗi ngân hàng có những kiểu yêu cầu khác nhau khiến người vay gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, có ngân hàng chỉ xét hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng không phát sinh nợ quá hạn nhóm 2 trong vòng 12 tháng gần nhất và nợ quá hạn nhóm 3 đến nhóm 5 trong hai năm gần nhất. Sacombank xem xét từng trường hợp để cho vay theo diện được hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp từng phát sinh nợ quá hạn nhưng đã trả xong. Công ty TNHH Sản xuất – kinh doanh nông – thủy sản Nguyên Ân (Đông Hòa) cho biết đã gửi hồ sơ xin vay khoảng 1,5 tỉ đồng nhưng chưa có câu trả lời từ ngân hàng. “Tuy việc vay vốn đã dễ dàng hơn nhưng thủ tục cho vay còn chậm” – đại diện doanh nghiệp Nguyên Ân nói. Nhiều doanh nghiệp khác cũng cho biết đang chờ phía ngân hàng rà soát lại các nhóm đối tượng được ưu đãi, sau đó mới biết mình có được hỗ trợ lãi suất hay không. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp than phiền rằng năm 2008 làm ăn khó khăn, bị thua lỗ nhưng các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính doanh nghiệp năm trước phải tốt, kế hoạch kinh doanh mới phải có tính khả thi… mới cho vay. Với những điều kiện trên, số doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để hưởng hỗ trợ lãi suất từ chương trình kích cầu của Chính phủ sẽ rất ít.
Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên cho biết trước mắt các ngân hàng thương mại vẫn giải quyết thủ tục cho vay bình thường với tất cả các khách hàng có nhu cầu vay vốn trong chương trình hỗ trợ lãi suất. Trong thời gian 10 ngày đầu triển khai, nếu phát sinh vướng mắc sẽ được chi nhánh trực tiếp giải quyết hoặc kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước Việt
Đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đều có văn bản hướng dẫn về việc cho vay hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng còn tỏ ra lo ngại vấn đề quản lý việc sử dụng vốn của khách hàng. Hiện nay, các ngân hàng đang yêu cầu khách hàng vay vốn tập hợp đầy đủ các chứng từ sử dụng vốn, ưu tiên phương thức thanh toán chuyển khoản để dễ giám sát.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Phú Yên đã yêu cầu các phòng ban chức năng triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra tình hình thực hiện quy định của pháp luật về hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xét cho vay đúng đối tượng, tuyệt đối không cho vay dưới chuẩn, vì nếu ngân hàng cho vay dưới chuẩn sau này sẽ không được giải quyết hỗ trợ lãi suất theo quy định. Ngân hàng cũng không được từ chối cho vay đối với những đối tượng được hưởng mức hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn, hoàn vốn, lãi suất của khách hàng. Trường hợp hoàn vốn, thanh toán lãi suất quá hạn sẽ không được hưởng hỗ trợ lãi suất.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ