Mỗi xã một sản phẩm là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và sự nỗ lực của các chủ thể, nhiều sản phẩm OCOP dần được nâng tầm về chất lượng, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 286 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 135 chủ thể, gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao, 276 sản phẩm đạt 3 sao. Để có được kết quả này, thời gian qua, cùng với nỗ lực của các chủ thể OCOP, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các tổ chức, HTX, đơn vị trực tiếp làm ra sản phẩm.
Theo ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các chủ thể khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; đồng thời hỗ trợ các chủ thể kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm…
“Cùng với đó là tăng cường đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP. Trong đó, tập trung trang bị các kỹ năng, năng lực về quản trị doanh nghiệp, HTX, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, phát triển bao bì, thực hiện quản lý vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, áp dụng chuyển đổi số gắn với yêu cầu thị trường”, ông Nhân cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa cho biết: Những năm qua, thành phố luôn quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể OCOP bằng nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó chú trọng các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để chủ thể tham gia các hội chợ để tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện TP Tuy Hòa đang tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho 12 chủ thể hoàn thiện hồ sơ, nhãn mác, bao bì để sớm cấp giấy chứng nhận đạt OCOP 3 sao cho 43 sản phẩm vừa đánh giá đợt 1 năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Toàn huyện hiện có 36 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Địa phương đang tiếp tục rà soát các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với Chương trình OCOP. Huyện đã hỗ trợ 9 chủ thể mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; đồng thời tư vấn thiết kế lô gô, bao bì đóng gói sản phẩm ấn tượng, bắt mắt để thu hút khách hàng.
Nâng tầm sản phẩm
Theo nhận định của các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, nhiều sản phẩm đặc trưng trước đây sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia Chương trình OCOP đã được chuẩn hóa, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng.
Bà Đặng Thị Hạ Quyên, chủ thể có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao ở xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) phấn khởi nói: Khi sản phẩm được chứng nhận OCOP, số lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng cao nhờ được hỗ trợ tem OCOP dán lên sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở còn được ngành chuyên môn tư vấn về dây chuyền sản xuất, góp phần giảm công lao động, tăng lợi nhuận, hoàn chỉnh về hình thức, giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HTX đã xây dựng thành công mô hình trồng sen, liên kết từ sản xuất đến chế biến tại chỗ đã mang lại hiệu quả kép và tạo thu nhập cao, ổn định cho nông dân trên địa bàn. Năm 2021, HTX đã tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm bột hạt sen Hòa Đồng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
“Ngoài sản phẩm bột hạt sen, HTX còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ sen khác gồm sen sấy khô, trà tim sen, sen tươi tách vỏ. HTX đang hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng sản phẩm bột hạt sen lên thành OCOP 4 sao và đang chuyển đổi mở rộng thêm diện tích trồng sen, phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích trồng sen trong toàn xã lên 40ha”, ông Minh cho biết thêm.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, đến thời điểm này, hiệu quả mà Chương trình OCOP mang lại cho các chủ thể rất rõ ràng. Các chủ thể khi tham gia sẽ được hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì, hỗ trợ mã QR, tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, các sản phẩm OCOP cũng được thương mại hóa và thường xuyên được quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ thương mạị, hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến...
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động kết nối cung - cầu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống thương mại điện tử”, bà Thủy nhấn mạnh.
Để hỗ trợ chủ thể đẩy mạnh Chương trình OCOP, tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP, tham gia đánh giá phân hạng; kiểm tra định kỳ về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tỉnh thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trở lên theo Nghị quyết 03/2021/NQ của HĐND tỉnh với tổng kinh phí hơn 2,7 tỉ đồng cho 265 sản phẩm. |
THÁI NGỌC