Xác định quảng bá sản phẩm trên nền tảng số là phương thức nhanh, hiệu quả nhất để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Việc số hóa các sản phẩm OCOP giúp chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ, thêm cơ hội mới cho nông sản địa phương trong thời kỳ 4.0.
Chủ cơ sở sản xuất gà ủ muối thảo mộc Em Vinh (huyện Sông Hinh) đang livestream quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng qua kênh bán hàng online. Ảnh: NGỌC HÂN |
Chủ động ứng dụng nền tảng số
HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) hiện có 9 sản phẩm (trái khóm, bánh khóm, rượu khóm, giấm khóm, nước rửa chén…) đạt OCOP 3-4 sao. Tất cả sản phẩm đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc, quy trình chế biến sản phẩm, nhờ đó nâng cao sự tin cậy của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, ngoài các kênh bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh, hiện HTX còn tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok; đồng thời chủ động lập website tại địa chỉ http//:nangtamnongsanviet.com kết hợp với kênh Youtube và cả Facebook cá nhân... Ước tính sản phẩm OCOP được tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt từ 40-60% tổng sản lượng tiêu thụ của HTX.
“Thông qua nền tảng số, HTX không chỉ cung cấp thông tin mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cấp sản phẩm và quy cách bán hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường”, ông Chương cho biết.
Còn với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hoàng Kiều (huyện Tuy An), nếu không có các kênh bán hàng online, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, công ty đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, Giám đốc công ty này cho hay: Năm 2022, sau khi sản phẩm bánh kẹo được chứng nhận là sản phẩm OCOP, công ty đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart; quảng bá qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, fanpage… Nhờ đó, sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi hơn. Đến nay, bình quân mỗi tuần công ty xuất khoảng 3-4 tấn sản phẩm bánh kẹo, tăng gấp 4-5 lần so với trước đây.
Tương tự, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cơ sở sản xuất gà ủ muối thảo mộc Em Vinh (huyện Sông Hinh) cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. “Tôi đã chủ động xây dựng kênh TikTok, liên kết với các nhà sáng tạo nội dung số, các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm và tham gia các hội nhóm bán hàng online. Nhờ đó, lượng khách hàng nhiều hơn và sản phẩm làm ra liên tục tăng, bình quân mỗi tháng cơ sở xuất bán từ 200-300 con gà ủ muối”, bà Ngô Thị Xuân Thủy, chủ cơ sở phấn khởi nói.
Nỗ lực đồng hành cùng chủ thể
Cùng với sự chủ động của chủ thể sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ áp dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ. Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngay từ khi triển khai Chương trình OCOP, sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình. Đồng thời hướng dẫn chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và áp dụng mã vạch cho sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của tỉnh, tại địa chỉ http://phuyentrade.gov.vn và các trang thương mại điện tử bán hàng khác như Postmart, Lazada…
Có thể nói, việc mở rộng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội bằng nhiều hình thức đã góp phần giúp sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn, nhanh hơn với người tiêu dùng cả nước, hướng tới mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững cho sản phẩm OCOP Phú Yên trên thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy An cho hay: Đến nay, toàn huyện có 36 sản phẩm OCOP. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp chủ thể đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm đến người tiêu dùng. Vì vậy, huyện đã phối hợp với một số đơn vị quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng tài khoản bán hàng, quy trình bán hàng trên nền tảng số; hướng dẫn các chủ thể cách chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng ngay tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn, hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, từ đó tăng năng suất, chất lượng và sức tiêu thụ sản phẩm.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Phú Yên, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỉ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 7%, tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%, tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số đạt trên 50%... |
NGỌC HÂN