Việc thay đổi nhân sự góp phần quan trọng vào quá trình kiện toàn, đổi mới thành phần kinh tế tập thể. Dù là người trẻ được đưa về hay người được bầu lên thay thế chỉ cần có trình độ, năng lực và tâm huyết đều là sự kế nhiệm cần thiết khi kinh tế tập thể, HTX bước vào giai đoạn phát triển mới.
Lùi về sau cho người trẻ bước lên
Năm 2017, trước khi sắp rời vị trí Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Tây (HTX Hòa Thành Tây), ông Nguyễn Phước, Giám đốc HTX này đã chủ động bồi dưỡng, giới thiệu giám đốc HTX hiện nay vào ban giám đốc HTX. Ông Phước từng chia sẻ: Tôi cùng nhiều cán bộ ở HTX Hòa Thành Tây đã gắn bó với phong trào kinh tế tập thể (KTTT) hơn 40 năm.
Giai đoạn này, HTX đứng trước sự thay đổi mới đó là chuyển từ mô hình kinh tế bao cấp, hoạt động dàn trải thành HTX kiểu mới bắt kịp xu hướng thị trường. Điều này chỉ có người trẻ năng động và nhạy bén mới đủ sức làm. Nên khi thấy Phạm Đức Hậu (giám đốc HTX bây giờ) có trình độ thạc sĩ lại có tâm huyết muốn gắn bó với mô hình HTX, tôi đã không ngần ngại giới thiệu và đồng hành hướng dẫn tới khi đủ cứng cáp. Trải qua một nhiệm kỳ, điều Hậu làm được đó là xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương và đẩy mạnh tiêu thụ.
Năm 2019, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành (HTX Hòa Thành) ở TX Đông Hòa ra đời từ sáp nhập 2 HTX Hòa Thành Đông và Hòa Thành Tây. Ông Phạm Đức Hậu, Giám đốc HTX Hòa Thành chia sẻ: Trải qua nhiệm kỳ 5 năm (2019-2023), HTX Hòa Thành đã đạt được một số kết quả.
Cụ thể, HTX huy động được thành viên góp vốn gần 2,3 tỉ đồng; duy trì 10 dịch vụ với 5 dịch vụ phục vụ và 5 dịch vụ kinh doanh. Các dịch vụ không chỉ tạo nhiều việc làm cho lao động mà còn tăng nguồn thu cho HTX. Doanh thu HTX mỗi năm đạt từ 2-4 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 300-900 triệu đồng.
Đặc biệt, lãi cổ phần chia cho thành viên năm sau luôn cao hơn năm trước với mức từ 126.000-165.000 đồng mỗi cổ phần. Sản phẩm gạo chất lượng Hòa Thành đạt chứng nhận OCOP 3 sao đánh dấu sự tham gia của HTX vào thị trường với vai trò quản trị thương hiệu nông sản địa phương. Cùng với đó, HTX luôn nỗ lực tìm kiếm các dịch vụ mới nhằm tạo việc làm và tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cho cán bộ và người lao động tại HTX.
Nếu HTX Hòa Thành Tây giai đoạn trước nhiều năm liền là đơn vị KTTT điển hình của tỉnh thì HTX Hòa Thành hôm nay không chỉ là đơn vị KTTT điển hình của tỉnh mà còn là Ngôi sao HTX toàn quốc. Có thể nói, sự kế nhiệm ở HTX này mang lại kết quả tốt khi vừa phát huy được truyền thống của thế hệ trước vừa bắt kịp với sự phát triển của giai đoạn hiện nay.
Đổi mới để phát triển
Huyện Tây Hòa có 15 HTX, hiện 80% HTX đã có giám đốc mới. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện kiện toàn KTTT, HTX bắt đầu từ khâu nhân sự. Trong đó, những giám đốc lớn tuổi nghỉ hưu được thay thế bằng những người trẻ có trình độ, những HTX chưa tạo đột phá trong phát triển khuyến khích để thành viên trong hội đồng quản trị có tiềm năng lên thay.
Điển hình là tại HTX Tân Hòa Bình khi giám đốc cũ nghỉ hưu được thay thế bằng người trẻ sinh năm 1995 với trình độ cao đẳng. Đồng thời, tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh vừa qua, giám đốc mới của HTX Tân Hòa Bình được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra Liên minh HTX tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong cho biết: Giai đoạn 2020-2022, HTX gặp nhiều khó khăn nên hoạt động không ổn định. Từ năm 2023 trở đi, HTX dần phục hồi với nhiều hoạt động dịch vụ mới mang lại doanh thu như thu hộ bảo hiểm, thu gom rác thải, kinh doanh xăng dầu…
Doanh thu năm qua của HTX đạt 20 tỉ đồng. Ban giám đốc, hội đồng quản trị HTX mới đang nỗ lực tìm cách khôi phục một số hoạt động truyền thống gắn với làng nghề trồng dâu nuôi tằm và sản phẩm rượu tằm Hòa Phong, đồng thời nâng cao hoạt động sản xuất lúa gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu cho nông sản này.
Ông Mai Ne, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Tây Hòa chia sẻ: Địa phương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao nên phải kiện toàn, nâng cao hoạt động các HTX. Để giải quyết nút thắt phát triển cho HTX, địa phương tập trung vào yếu tố con người và đồng vốn, trong đó khuyến khích những người có trình độ về làm cán bộ HTX.
Về nguồn vốn, ngoài vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hạ tầng chế biến, địa phương cũng làm đầu mối liên kết giữa HTX với các công ty tiêu thụ, cho hiệu quả bước đầu với cây sen. Hiện địa phương tập trung tìm giải pháp gỡ khó cho việc xây dựng mã vùng các làng nghề gắn với HTX, điển hình như làng sen ở Hòa Đồng, trồng dâu nuôi tằm và sản xuất rượu tằm ở Hòa Phong, lúa gạo ở Hòa Mỹ…
Theo Liên minh HTX tỉnh, từ chủ trương của tỉnh đưa trí thức trẻ về làm giám đốc HTX, tại nhiều HTX đã xuất hiện những người trẻ có bằng cấp, trình độ, tạo ra làn gió mới cho thành phần kinh tế này. Thời gian tới, học theo huyện Tây Hòa, nhiều địa phương khác cũng khuyến khích những người trẻ lên làm giám đốc thay thế những giám đốc đã lớn tuổi.
MINH DUYÊN