Khi du lịch phát triển, người dân được hưởng lợi từ việc tham gia làm du lịch. Thế nhưng, cần cảnh báo và tìm hướng giải quyết câu chuyện người dân tự phát trang bị ca nô chở du khách tham quan các đảo gần bờ.
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng đã xử phạt 16 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy nội địa. Toàn bộ phương tiện ca nô người dân tự trang bị để chở khách du lịch tham quan, ngắm cảnh các đảo, vịnh gần bờ đều không đảm bảo điều kiện hoạt động bởi Phú Yên vẫn chưa công bố, cấp phép khai thác luồng, tuyến đường thủy nội địa nào. Đáng chú ý, nguy cơ mất ATGT đường thủy nội địa còn đến từ việc một số phương tiện không có giấy đăng ký, không chứng nhận kiểm định, không có chứng chỉ chuyên môn...
Nguyên nhân đến từ bản thân người cung cấp dịch vụ, họ không biết tỉnh chưa cho phép người dân dùng ca nô chở khách đi tham quan, du lịch. Tuy nhiên, cũng có người biết quy định nhưng vẫn làm liều, hoạt động “chui”. Du lịch biển đảo không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức hải sản, chơi thể thao nước…, mà du khách thật sự muốn trải nghiệm không gian biển đảo, có nhu cầu đi ca nô tham quan đảo và lặn ngắm san hô. Là một mắt xích làm du lịch, chiều lòng khách và cũng để kiếm thêm thu nhập, người dân đầu tư ca nô chở khách trái phép. Nếu không biết quy định, hoặc biết mà vẫn làm chui, làm liều thì nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn rất lớn.
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển KT-XH. Cùng với đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 09 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Trong đó xác định đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên bằng việc tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn.
Muốn phát triển du lịch biển đảo, cốt yếu dựa trên lợi thế sẵn có về tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên với nhiều đầm, vũng, vịnh, bờ biển đẹp… Bên cạnh đó, cần xúc tiến kêu gọi đầu tư phương tiện vận chuyển khách du lịch, xây dựng bến tàu du lịch, bến thuyền tại khu vực vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Vũng Rô; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan tại khu vực bãi biển TP Tuy Hòa... Đồng thời tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án du lịch ven biển, nghỉ dưỡng, lặn biển… tại vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Vũng Rô, TP Tuy Hòa...
Ở phương diện người dân tham gia làm du lịch biển đảo, họ chỉ mong chính quyền các cấp sớm tạo điều kiện để được kinh doanh dịch vụ hợp pháp; đồng thời được hướng dẫn, hỗ trợ hoàn tất các thủ tục, điều kiện để kinh doanh dịch vụ đảm bảo an toàn cho chính mình và du khách.
Để du lịch biển đảo diễn ra trong trật tự, an toàn, bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý của lực lượng cảnh sát giao thông và BĐBP tỉnh, sự quan tâm, phối hợp hiệu quả từ các cấp ngành và chính quyền địa phương là rất cần thiết. Rất mong các cấp, ngành quy hoạch, sắp xếp, bố trí bến bãi; tổ chức quản lý, kiểm tra kiểm soát các điều kiện hoạt động của các ca nô chở khách, vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương.
MINH KHUÊ