Để tạo cơ hội mới, các HTX nỗ lực tìm kiếm các mô hình sản xuất, hoạt động dịch vụ mới. Không phải mô hình sản xuất, dịch vụ nào cũng mang lại hiệu quả ngay lập tức, thậm chí nhiều HTX đã thất bại. Tuy nhiên, quá trình này giúp HTX có thêm kinh nghiệm để trưởng thành.
Tự nắm bắt cơ hội
Huyện Sơn Hòa là thủ phủ của cây mía. Địa phương này đang nỗ lực trở thành vùng nguyên liệu mía lớn nhất cả tỉnh. Hoạt động trên địa bàn huyện Sơn Hòa, tuy không sản xuất, tiêu thụ mía nhưng hằng ngày tiếp xúc với những người trồng mía nên HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (huyện Sơn Hòa) hiểu được nhu cầu, từ đó hình thành ý tưởng mua máy gặt mía về mở dịch vụ.
Theo ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX này, mỗi vụ thu hoạch, bà con thường tốn chi phí lớn cho khoản trả nhân công chặt mía. Đặc biệt hiện nay khi mà lao động nông thôn chủ yếu đi làm công nhân tại các KCN hoặc lên thành phố làm thuê thì việc tìm lao động khỏe chân khỏe tay cho công việc chặt mía nặng nhọc ngày càng khó khăn.
Hiện nhiều hộ trồng mía đã sở hữu máy làm đất, máy rải phân và máy trồng mía. Lúc nhàn rỗi, những hộ này cho thuê lại máy làm dịch vụ. Riêng máy gặt mía ở huyện Sơn Hòa nói riêng và cả tỉnh nói chung gần như chưa có. Việc thu hoạch mía bằng máy sẽ giúp giảm chi phí rất lớn cho người trồng. HTX đang tham khảo thêm ý kiến để đưa máy gặt mía về làm dịch vụ…
Còn với HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa), câu chuyện HTX này làm đơn tự nguyện xin tham gia Dự án VIE6566 - hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam, cho thấy HTX đã nhìn thấy cơ hội mới từ hoạt động hợp tác của Liên minh HTX tỉnh với Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (FFD) nên không ngần ngại chủ động kết nối.
Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX này cho biết: HTX không phải đơn vị được dự án chọn ngay từ đầu (năm 2017), nhưng qua nắm bắt thông tin thấy hoạt động này mang lại lợi ích cho cả HTX và thành viên có rừng trồng nên đã chủ động tự nguyện làm đơn xin tham gia. Một trong những điều HTX cần chính là quy trình và kỹ thuật hình thành vườn ươm giống cây.
Bởi từ lâu, HTX đã muốn mở dịch vụ cung ứng cây giống cho thành viên để người dân trong xã có thêm kênh cung cấp nguồn giống cây có chất lượng với giá hợp lý. Hiện HTX sở hữu vườn ươm giống keo lai với 100.000 hom giống và cung ứng giống cho thành viên.
Chấp nhận rủi ro
Năm 2020, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) trồng thử nghiệm 2.000 cây sung mỹ trên diện tích 2ha. Đến năm 2021, cây cho thu hoạch vụ đầu tiên thành công với năng suất 100kg/ngày.
Ngoài bán trái tươi, HTX còn chế biến thành 2 sản phẩm là mứt sung, sung sấy dẻo và được thị trường đón nhận. Những năm sau đó, năng suất giảm dần, sản phẩm chế biến từ sung mỹ cũng dần ít xuất hiện. So với cây khóm và các sản phẩm chế biến từ trái khóm, cây sung mỹ không mang lại thành công bằng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này, đây là cây nhập ngoại. Thời điểm HTX trồng thử nghiệm, giống cây này mới chủ yếu trồng trong nhà kính hoặc nhà màng. Còn HTX sẵn sàng trồng ngay ngoài thực địa bởi từ đầu HTX đặt mục tiêu cây sinh trưởng phát triển tốt trên vùng núi đồi Đồng Din để tạo ra hệ sinh thái đa dạng cây trồng, và hơn hết là hỗ trợ quá trình cải tạo đất. Ở góc độ thương mại, cây sung mỹ không thành công bằng cây khóm nhưng hiện tại cây bắt đầu thích nghi với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương.
Nhớ lại thời điểm mở dịch vụ cho thuê địa điểm tổ chức tiệc cưới, ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cho biết: Hội đồng quản trị HTX cũng cân nhắc rất nhiều bởi xã Hòa Quang Nam là địa bàn thuần nông, diện tích không gian nhà, sân tại các hộ gia đình rộng chứ không hẹp như ở thành phố hoặc trung tâm thị trấn.
Các hoạt động cưới hỏi bà con chỉ thuê dịch vụ phục vụ rạp cưới, nấu đồ ăn và tổ chức tiệc tại nhà. Nhu cầu thuê địa điểm tổ chức cưới rất ít nên HTX mở dịch vụ này có thể sẽ thất bại. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, HTX vẫn mở dịch vụ và thu hút được khá nhiều hộ tới hợp đồng thuê địa điểm.
“HTX có diện tích sân và hội trường rộng lại mới đẹp mà ít khi sử dụng. Nếu cứ để đó sẽ lãng phí. Trong khi đó, chỉ cần đầu tư một chút kinh phí là có thể phát huy kép được lợi thế này. Tính ra dù dịch vụ không đắt khách thì HTX cũng không lỗ bởi cũng là cách nâng cấp hạ tầng trụ sở HTX”, ông Thuận chia sẻ thêm.
Theo Liên minh HTX tỉnh, tuy dịch vụ tại các HTX còn hạn chế và chưa tạo được dấu ấn, nhưng các HTX đang rất nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới cho đơn vị mình. Bắt đầu với chủ yếu là những dịch vụ nhỏ, HTX đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và thành viên; làm tròn vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế hộ và đồng hành cùng sản xuất. |
MINH DUYÊN