Kỳ cuối: Giữ rừng từ gốc
Huyện Đồng Xuân có khoảng 65.000ha rừng các loại (lớn nhất tỉnh Phú Yên), trong đó Phú Mỡ chiếm khoảng 34.000ha. Đây không những là nơi sở hữu những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn, nhiều loại gỗ quý hiếm, đặc hữu, mà còn đóng vai trò giảm sức công phá của lũ, tăng kết cấu đất và điều hòa khí hậu vùng hạ lưu.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nước lấy dân làm gốc; gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”. Tư tưởng ấy đã soi sáng cho tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đồng Xuân thực hiện nhiệm vụ hàng đầu với phương pháp giữ rừng từ Nhân dân. Bài học giữ rừng của xã Phú Mỡ có giá trị thực tiễn và sự lan tỏa mạnh mẽ.
Câu chuyện giữ rừng của Phú Mỡ
Năm 2020, xã Phú Mỡ trở thành điểm nóng của dư luận cả nước khi người dân và một số đảng viên, cán bộ phá rừng. Những bản án, hình thức kỷ luật đã được đưa ra. Đây là sự đau xót đối với những người làm công tác quản lý của ngành Lâm nghiệp và địa phương. Điều cốt lõi là phải bắt được đúng “bệnh”, rút ra những bài học, từ đó không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như sự việc nêu trên.
Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười trò chuyện với các đảng viên trong cộng đồng dân tộc Chăm, Ba Na tại xã Phú Mỡ về tầm quan trọng của việc giữ rừng thượng nguồn. Ảnh: NHẬT HUY |
“Tôi rất quan tâm đến câu chuyện giữ rừng ở xã Phú Mỡ. Phải làm sao để thu nhập của người dân tăng lên, cải thiện đời sống và dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Muốn như vậy, người dân phải có đất để canh tác, trồng rừng làm kinh tế. Khi có của ăn của để, cộng đồng DTTS người Chăm và Ba Na sẽ không còn nghĩ đến chuyện phá rừng làm rẫy. Để giải quyết chuyện giữ rừng ở một địa phương đặc biệt khó khăn như xã Phú Mỡ, phải bắt đầu từ chuyện an sinh của người dân. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà huyện Đồng Xuân cần phải thực hiện”, Bí thư Huyện Đồng Xuân Hồ Văn Mười khẳng định.
Phú Mỡ là xã đặc biệt khó khăn, với 100% hộ dân là người DTTS sinh sống. Tính đến cuối năm 2023, toàn xã có là 906 hộ (3.253 khẩu), trong đó có 582 hộ nghèo, 118 hộ cận nghèo. Người dân chủ yếu làm nông, nhưng đất canh tác dốc, bạc màu… không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Đất sản xuất cây lương thực toàn xã chỉ có 138ha, năng suất thấp. Toàn xã chưa có các cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân, nguyên nhân của tình trạng phá rừng là do đời sống của người dân còn nghèo, chưa có đất sản xuất, hiểu biết pháp luật hạn chế, phần lớn là người DTTS. Công tác tuyên truyền vận động đóng vai trò quan trọng, nhưng phải làm sao để người dân cải thiện được đời sống, làm giàu từ rừng trồng, khi ấy tình trạng phá rừng sẽ giảm.
Nghị quyết 09-NQ/HU của Huyện ủy Đồng Xuân khẳng định, việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giữ rừng ở xã Phú Mỡ. Việc này phải thực hiện chặt chẽ theo đúng trình tự pháp luật; khuyến khích và thu hút được các dự án hỗ trợ trồng rừng cho người DTTS và thu hút các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ổn định sản xuất và đời sống của người dân.
“Huyện ủy chỉ đạo cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện chủtrương giao đất cho người DTTS ở xã Phú Mỡ. Đây là giải pháp cốt lõi để giảm tình trạng phá rừng đầu nguồn”, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười cho biết thêm.
Ngoài những văn bản chỉ đạo theo hệ thống nhà nước, với vai trò và nhiệm vụ của người đứng đầu Đảng bộ huyện Đồng Xuân, ông Hồ Văn Mười thường xuyên có mặt ở các thôn thuộc xã Phú Mỡ, nói chuyện với già làng, người có uy tín, đảng viên về tầm quan trọng của việc giữ rừng; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người DTTS ở vùng thượng nguồn huyện Đồng Xuân. Khi cộng đồng người Chăm, Ba Na tin vào Đảng và chính quyền, rừng ở Phú Mỡ sẽ được giữ và “lá phổi xanh” sẽ phát huy giá trị về điều tiết khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái quan trọng của Phú Yên.
Người dân được giao đất trồng rừng
Bên cạnh, mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng của UBND xã Phú Mỡ và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân triển khai tại các thôn: Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng (25.095ha), việc giao đất rừng sản xuất (Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) cho người DTTS ở xã Phú Mỡ trồng rừng, tăng sinh kế, cải thiện đời sống là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đồng Xuân. Đến nay, 46 hộ dân ở xã Phú Mỡ đã trồng keo trên phần đất được giao (3-6ha/hộ) tại tiểu khu V2.2 và 75, với tổng diện tích 200ha. Tại tiểu khu 74, 61 hộ dân cũng đã trồng keo (1-3ha/hộ), với tổng diện tích 107,8ha.
Người dân xã Phú Mỡ đi thăm keo trồng trên diện tích đất nhận từ chính sách hỗ trợ. Ảnh: NHẬT HUY |
Đây là các hộ gia đình, cá nhân không có đất, thiếu đất sản xuất có nhu cầu trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, đang cư trú trên địa bàn xã Phú Mỡ; ưu tiên các hộ là đồng bào DTTS thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn có nhu cầu và đủ năng lực trồng rừng trên diện tích được giao.
“Các hộ nhận đất và tiến hành phát dọn để trồng rừng. Keo đã lên xanh tươi tốt, hứa hẹn mang đến nguồn lực kinh tế cho người dân xã Phú Mỡ trong 2-3 năm tới. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ cho biết.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, khu vực giao đất cho người dân xã Phú Mỡ chủ yếu là đất sét quặng, đá lẫn, nghèo dinh dưỡng, chỉ phù hợp với các loài cây lâm nghiệp cải tạo đất. Vậy nên việc người dân trồng rừng phát triển kinh tế là phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời đảm bảo độ che phủ rừng trong khu vực, gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với chức năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân.
Bà La Lan Thị Hạnh ở thôn Phú Giang nói: “Gia đình chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm giao đất cho người dân trồng rừng phát triển kinh tế. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn như tôi, đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời. Khi thu nhập tăng lên, người dân chúng tôi không còn suy nghĩ vào rừng chặt cây, phát dọn lấy đất trồng cây sắn như trước”.
Rời Phú Mỡ trên trục ĐT647 được nâng cấp, mở rộng, xung quanh là hệ thống đường liên thôn được bê tông hóa, phía xa xa là những ngọn núi đã được khoác lên mình chiếc áo màu xanh. Đó là màu xanh hy vọng của cộng đồng DTTS Chăm, Ba Na về sự đổi thay của một vùng đất. Màu xanh ấy sẽ giúp huyện Đồng Xuân nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 63% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đồng Xuân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt thực hiện chủ trương giao đất cho người DTTS ở xã Phú Mỡ. Đây là giải pháp cốt lõi để giảm tình trạng phá rừng đầu nguồn huyện Đồng Xuân.
Ông Hồ Văn Mười, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân |
NHẬT HUY