Sau nhiều nỗ lực, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của Phú Yên tăng 1,48 điểm so với năm 2022, nhưng vẫn thuộc nhóm trung bình của cả nước. Để nâng cao chỉ số này, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư được bình đẳng trong việc tiếp cận các thông tin, dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Nhà đầu tư khảo sát thực tế tại TX Đông Hòa. Ảnh: CTV |
Nhiều chỉ số thành phần thấp
Thông tin từ Sở KH&ĐT cho biết, kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Phú Yên xếp vị trí 37/63 tỉnh, thành phố cả nước; đạt 66,28 điểm, tăng 1,48 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2022 (thuộc nhóm trung bình).
Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, tỉnh có 5 chỉ số tăng điểm, tăng bậc gồm: Gia nhập thị trường (tăng 0,47 điểm, tăng 10 bậc); Tính minh bạch (tăng 0,33 điểm, tăng 9 bậc); Thiết chế pháp lý và ANTT (tăng 0,16 điểm, tăng 7 bậc); Đào tạo lao động (tăng 0,68 điểm, tăng 12 bậc); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 1,37 điểm, tăng 10 bậc).
Tuy nhiên, Phú Yên cũng có nhiều chỉ số giảm điểm, giảm bậc như: Tiếp cận đất đai, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Chi phí thời gian... Đây là chỉ số do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp dân doanh.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tuy công tác cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến nhưng doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn gặp khó. Lãnh đạo một số cơ quan, địa phương chưa thật sự quan tâm, chưa nắm rõ tinh thần, mục đích của cải cách hành chính; nhất là ở địa phương còn chưa thật sự hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chỉ số PCI. Do vậy, chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện.
Ông Trần Bá Dũng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Tây Hòa cho biết: Để doanh nghiệp vượt khó và phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bộ phận một cửa của các địa phương gần như đang bị quá tải, gây nhiều phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta cần áp dụng cơ chế “một cửa một lần”, giải quyết rốt ráo các thủ tục hành chính, tránh tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần.
Còn ông Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai cho rằng, công tác đào tạo tuy được tỉnh quan tâm đầu tư nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT, với quan điểm quyết tâm, cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, do nguồn lực của tỉnh còn nhiều hạn chế nên trong thời gian qua, tỉnh còn khó khăn trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; nhất là hỗ trợ ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các HTX còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng...
Đồng bộ các giải pháp
Thực tế cho thấy, cải thiện, nâng cao chỉ số PCI là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Với mục tiêu cụ thể hóa nhiệm vụ được giao tại Công văn 3549/UBND-TH ngày 17/6/2024 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số PCI năm 2024, Sở KH&ĐT vừa ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số PCI đối với các chỉ số thành phần Gia nhập thị trường, Cạnh tranh bình đẳng năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đại diện một doanh nghiệp kiến nghị chính quyền địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư do UBND tỉnh tổ chức. Ảnh: NHƯ THANH |
Với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở KH&ĐT có nhiệm vụ đôn đốc các sở, ngành, cơ quan liên quan nâng điểm số các chỉ tiêu chi tiết thành phần đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với các chỉ số thành phần trên.
Ông Võ Đình Tiến cho biết: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, sở tập trung cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là thực hiện tốt cơ chế phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc đề xuất đơn giản hóa, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập, thay đổi, bổ sung về đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; công khai và minh bạch trong việc đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, công chức hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo hình thức trực tuyến và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Đơn vị đảm bảo một số điểm số chỉ tiêu chi tiết như: thời gian đăng ký doanh nghiệp dưới 5 ngày; tỉ lệ doanh nghiệp cho biết phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp từ 2 lần trở lên dưới 5%... Trên Cổng thông tin điện tử của sở đăng tải các chính sách, pháp luật mới và công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp…
Một yếu tố quan trọng để có được điểm số cao trong PCI của tỉnh là hoạt động hỗ trợ các dự án đầu tư sau cấp phép. Việc hỗ trợ các dự án sau cấp phép thể hiện sự chuyên nghiệp, tính bền vững trong môi trường đầu tư kinh doanh. Sau khi dự án được cấp phép đầu tư, chính quyền địa phương khẩn trương giải phóng mặt bằng, bố trí mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động.
Nhấn mạnh về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư của địa phương, ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa cho biết: Trên cơ sở nghiên cứu 10 chỉ số thành phần, thị xã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để cùng tỉnh nâng cao thứ hạng PCI. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính; cắt giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục; bảo đảm công khai, minh bạch, khả năng tiếp cận các nguồn lực. Đồng thời, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thủ tục về đất đai; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ để thu hút đầu tư, thúc đẩy KT-XH phát triển.
NHƯ THANH