Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tồn tại 2 mảng dịch vụ là dịch vụ phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh. Trong đó, dịch vụ sản xuất chủ yếu là các dịch vụ truyền thống như cày đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp... Một số dịch vụ kinh doanh tuy mang lại doanh thu cao nhưng lợi nhuận lại không cao. Còn các HTX phi nông nghiệp chỉ hoạt động kinh doanh lại đang rất khó khăn bởi khả năng cạnh tranh yếu.
Trúc trắc kinh doanh ở HTX nông nghiệp
Kinh doanh xăng dầu ở một số HTX nông nghiệp thời gian dài được ví như làn gió mới bởi mang đến doanh thu lớn. Nhưng trên thực tế, lãi từ dịch vụ này không cao bởi về bản chất đây chỉ là dịch vụ bán hộ hưởng chiết khấu. Cùng nhìn vào HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành (HTX Hòa Thành) ở TX Đông Hòa và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (HTX Hòa Quang Nam) ở huyện Phú Hòa để thấy rõ điều này.
Trong khi doanh thu của HTX Hòa Thành chỉ đạt 4 tỉ đồng/năm thì HTX Hòa Quang Nam tới hơn 20 tỉ đồng/năm; nhưng lợi nhuận của HTX Hòa Thành khoảng 900 triệu đồng/năm thì HTX Hòa Quang Nam lại chỉ có khoảng 500 triệu đồng/năm. Sở dĩ có sự chênh lệch thấy rõ này bởi HTX Hòa Quang Nam có kinh doanh xăng dầu và doanh thu từ dịch vụ này chiếm từ 70-80% tổng doanh thu. Còn HTX Hòa Thành không có dịch vụ này.
Theo ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Hòa Quang Nam, khi ngành xăng dầu gặp khó như thời điểm dịch COVID-19, chiết khấu cho các đại lý gần như bằng 0, HTX không những không có lợi nhuận mà còn bị lỗ, bởi vẫn phải duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu nên các chi phí như nhân công, điện nước... không đổi.
Không riêng HTX mà hầu hết những HTX có làm dịch vụ kinh doanh theo mô hình làm đại lý trung gian bán sản phẩm để hưởng hoa hồng đều vậy. Khi ấy doanh thu chỉ thể hiện khả năng tiêu thụ sản phẩm của HTX chứ không có nghĩa là HTX thu về lãi khủng. Tuy nhiên, so với các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp “lấy thu bù chi” thì bán lẻ xăng dầu vẫn là dịch vụ mang lại lợi nhuận khá.
3 năm trở lại đây, bán các sản phẩm nông sản được cho là dịch vụ kinh doanh tự thân của các HTX nông nghiệp. Trong đó, các HTX không làm trung gian cho bên nào mà tự sản xuất, chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường. Nhưng so với các sản phẩm của nhiều cá nhân, doanh nghiệp của HTX hạn chế về mẫu mã và thiếu một số xác nhận như mã vạch, mã vùng trồng... Điều này khiến sản phẩm của HTX bị giảm khả năng cạnh tranh.
Chị Nguyễn Thị Thoa ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) chia sẻ: Đi hội chợ hay các hội nghị xúc tiến thương mại, tôi thấy sản phẩm của HTX cùng nhiều đặc sản địa phương được bày bán, nhưng vào siêu thị thì thấy rất hạn chế, phải tìm mỏi mắt mới thấy 1-2 sản phẩm của HTX.
Các HTX phi nông nghiệp gặp khó
Trong khi hoạt động kinh doanh tại các HTX nông nghiệp còn khiêm tốn và chưa tạo được dấu ấn thì các HTX phi nông nghiệp đứng trước nguy cơ bị thu hẹp ở cả ngành và lĩnh vực hoạt động. Theo Liên minh HTX tỉnh, 5 năm trước, các HTX phi nông nghiệp toàn tỉnh hoạt động ở 4 lĩnh vực chính gồm vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, lĩnh vực xây dựng đã bị xóa sổ vì không còn HTX xây dựng nào hoạt động.
Các HTX còn lại cũng đang hoạt động rất khó khăn. Trong đó, các HTX vận tải gặp khó với việc đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa hoạt động theo quy định của ngành Vận tải.
Ông Nguyễn Diễn, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Yên Phú (TP Tuy Hòa) cho biết: Để đảm bảo yêu cầu hoạt động của ngành, HTX phải đầu tư máy tính và các thiết bị công nghệ số đảm bảo kết nối liên thông với cổng thông tin Bộ GTVT cũng như là các đầu xe thành viên. Mỗi xe HTX để lưu thông trên đường phải trang bị hộp đen, camera giám sát hành trình…
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau dịch COVID-19, suy thoái kinh tế khiến các HTX gặp khó với việc tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Theo HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), HTX hoạt động xuất khẩu gỗ mỹ nghệ sang thị trường nước ngoài là chủ yếu, nên khi dịch COVID-19, sản phẩm không xuất khẩu được. Hiện nay, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng truyền thống. HĐQT HTX đang tìm cách khắc phục bằng cách mở rộng đối tác tiêu thụ.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Các HTX nông nghiệp đang làm tốt dịch vụ phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, dịch vụ này lại không mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho HTX. Với các dịch vụ kinh doanh của HTX nông nghiệp và HTX phi nông nghiệp, dịch vụ bán hộ hưởng chiết khấu thì cho doanh thu cao nhưng lãi không cao, dịch vụ cho vay thành viên cũng mang lại lợi nhuận khá cho HTX, nhưng từ tháng 9/2023 bị hạn chế thời gian cho vay theo quy định của Luật HTX năm 2023. Còn bán sản phẩm do HTX tự sản xuất thì gặp khó khi tiêu thụ trên thị trường... Đây là thực trạng chung của kinh tế tập thể cả nước, không riêng Phú Yên.
Để đồng hành cùng các HTX, Liên minh HTX tỉnh tìm cách đưa vốn về tạo điều kiện để các HTX củng cố dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thông qua kênh của đơn vị, các HTX có thể tiếp cận nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, gọi tắt vốn 120 của Liên minh HTX Việt Nam. Thời gian tới, nếu Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Yên được thông qua thì đây cũng là kênh vốn quan trọng HTX có thể tiếp cận.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
MINH DUYÊN