Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến hết 30/6, các địa phương phải hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo mặt bằng cho các đơn vị thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Phú Yên. Thế nhưng, đến nay, nhiều vị trí lưới điện vẫn đang trở thành rào cản cho việc đẩy nhanh tiến độ thi công, gây không ít khó khăn cho các nhà thầu.
Chậm di dời lưới điện
Theo Sở GTVT, đến giữa tháng 7, các địa phương cơ bản hoàn thành di dời hệ thống đường dây trung hạ thế trong phạm vi mặt bằng thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Phú Yên (Dự án cao tốc Bắc - Nam). Còn lại một số vị trí đường dây cao thế, nhà thầu mới thi công 99/103 móng trụ 110kV và 220kV; dựng 23/103 trụ. Điều này ảnh hưởng đến việc thi công đồng bộ nền đường cao tốc.
Cụ thể, tại vị trí Km20+440 - Km20+860, đoạn qua xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, thuộc Dự án thành phần cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc đang triển khai nhiều mũi thi công nền đường, xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng, với tổng chiều dài 7,6km. Tuy nhiên, tại vị trí 2 cột tạm 224T và 227T, đường dây 220kV vắt ngang tuyến cao tốc với chiều dài 160m chưa được di dời khiến nhà thầu không thể triển khai những bước tiếp theo.
Ông Bùi Văn Lanh, Chỉ huy trưởng công trình Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, phụ trách gói thầu XL01, cho biết: Đơn vị đang vướng 1 đường điện 220kV và 2 đường điện 110kV. Trong đó, đường điện 110kV đang được nâng lên để di chuyển sang đường tạm, đơn vị thi công đang đắp đất giai đoạn 1; đường điện 220kV chưa được di dời. Vị trí này đang cần xử lý nền đất yếu, nhưng đơn vị thi công không thể đưa máy móc chuyên dụng vào làm việc được vì không đảm bảo an toàn điện.
Tương tự, tại TX Đông Hòa còn 4 vị trí vướng hạ tầng kỹ thuật lưới điện, với tổng chiều dài 532m, đang gây khó cho các nhà thầu. Ông Ngô Tiến Hà, Phó Giám đốc ban điều hành Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, phụ trách gói thầu XL02, cho hay: Trên tuyến dài 10km do đơn vị đảm nhận thi công có đến 3 vị trí vướng đường dây điện cao thế. Trong đó, vị trí cầu vượt tại Km37 đã đúc dầm xong, nhưng không thể đưa thiết bị vào thi công cọc khoan nhồi, mố trụ cầu vì vướng vào lưới điện cao thế. Tại Km40, đơn vị đang xử lý nền đất yếu kết hợp đắp đất gia tải nhưng phải chừa lại 250m vì vướng lưới điện. Tại Km42 có 1 trụ điện cao thế nằm giữa đường cao tốc, nhà thầu phải tạm dừng việc giải phóng toàn bộ khối lượng quả đồi Hóc Dung…
Đặc biệt, các vị trí thi công xử lý nền đất yếu và đắp gia tải phải có thời gian chờ lún từ 270-385 ngày. Nếu lưới điện không giải phóng trước 31/7 thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của dự án. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ là hoàn thành cao tốc Bắc - Nam trong năm 2025...
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ
Theo Sở GTVT, nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ di dời hệ thống điện 220kV, 110kV là do chậm cung ứng vật tư thiết bị điện, phụ kiện đường dây cao thế do phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đến cuối tháng 7, các nhà thầu mới có đủ phụ kiện đường dây tại chân công trình nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, di dời lưới điện.
Ông Nguyễn Đại Dương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Tuy Hòa) cho biết: Đến 20/7, TP Tuy Hòa đã hoàn thành di dời hệ thống thông tin và lưới điện 0,4kV. Hệ thống điện 220kV mới thi công xong phần đào móng và đang thi công phần lắp trụ, đường dây. Ngay sau khi có đầy đủ vật tư, chúng tôi nỗ lực đến cuối tháng 8 tới sẽ hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật, lưới điện để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Trong khi đó, TX Đông Hòa cũng đã thi công xong phần móng và đổ xong phần cổ trụ, lắp bu lông và đang triển khai phần tiếp địa. TX Đông Hòa yêu cầu các đơn vị dồn lực thi công di dời hạ tầng kỹ thuật; dự kiến đến ngày 15/8 sẽ hoàn thành di dời toàn bộ lưới điện để bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công.
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị thi công quyết tâm hoàn trả lưới điện trong tháng 7/2024 nhằm đảm bảo tiến độ chung của Dự án cao tốc Bắc - Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Sở GTVT yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc tiếp nhận vật tư, thiết bị điện; thực hiện thủ tục cắt điện, thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành; kiên quyết chấn chỉnh các nhà thầu thi công chậm tiến độ.
Trong thời gian này, các đơn vị, địa phương phải lập và gửi tiến độ chi tiết cam kết thời gian hoàn thành đối với các hạng mục: dựng trụ, kéo rải căng dây, thực hiện thủ tục cắt điện để di dời các vị trí hệ thống đường dây điện còn vướng trên mặt bằng thi công đường cao tốc; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong trường hợp chậm di dời hạ tầng kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025 theo yêu cầu của Chính phủ.
Để đảm bảo di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, Phú Yên đề nghị các đơn vị quản lý truyền tải điện tạo điều kiện thuận lợi bố trí lịch cắt điện, thủ tục nghiệm thu đóng điện để đơn vị thi công hoàn trả lưới điện đáp ứng tiến độ yêu cầu. Chủ đầu tư và các nhà thầu thi công cao tốc cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn đưa toàn bộ mặt bằng vào thi công; nghiên cứu áp dụng giải pháp kỹ thuật phù hợp để rút ngắn thời gian thi công theo yêu cầu đáp ứng về tiến độ, chất lượng.
Ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở GTVT |
NGÔ XUÂN